Khu vực điều trị cách ly với những trường hợp nhiễm virus Corona tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Theo số liệu tổng hợp mới nhất cập nhật lúc 17h00 ngày 4/2/2020, Thế giới đã ghi nhận 20.640 người trường hợp nhiễm virus Corona, khiến 427 người tử vong. Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, đã ghi nhận 10 ca mắc nCoV. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh do virus Corona lây lan, Việt Nam đã nhanh chóng có những biện pháp phòng tránh.
Theo đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT ngừng cấp phép các chuyến bay đi - đến giữa vùng có dịch tại Trung Quốc và Việt Nam và một số địa phương cũng đã quyết định sẽ ngưng tiếp nhận khách Trung Quốc, Hà Nội đã tạm ngừng cấp thị thực cho khách Trung Quốc và đã từng ở Trung Quốc trong 2 tuần qua. Bên cạnh đó, Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã tuyên bố tạm ngừng bay các chuyến Trung Quốc từ ngày 1/2/2020, còn Vietnam Airlines cũng đã quyêt định dừng nhiều chuyến sang Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, việc chính quyền nước này đình chỉ toàn bộ các hoạt động du lịch tại Trung Quốc và nước ngoài được dự báo sẽ tác động không nhỏ tới ngành du lịch của Việt Nam. Bởi theoTổng Cục du lịch, số lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2019 đã lên tới 5,8 triệu lượt, chiếm 32.24% tổng lượng khách quốc tế.
Ảnh hưởng của dịch SARS tới tỷ lệ tăng trưởng số lượng hành khách sử dụng dịch vụ hàng không.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), dịch bệnh do virus Corona (nCOV) gây ra sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả hoạt động kinh doanh của ngành hàng không nói riêng và ngành dịch vụ du lịch nói chung, giống như những diễn biến từng xuất hiện trong thời gian đại dịch SARS diễn ra, từ cuối tháng 11/2002 đến hết tháng 7/2003.
Theo thông tin của KBSV, giai đoạn 1999-2002 là giai đoạn khởi sắc của ngành hàng không ở các quốc gia khu vực Đông Á – Thái Bình Dương với CAGR(*) hành khách 3 năm đạt 9,9%. Tuy nhiên, đại dịch SARS diễn ra khiến tổng lượng khách du lịch bằng đường hàng không năm 2003 chỉ còn tăng trưởng 0,7% do ảnh hưởng của SARS, riêng Việt Nam giảm 1,7%. Rồi hồi phục mạnh mẽ trở lại vào năm 2004 với mức tăng 39%.
KBSV cho rằng, tác động của dịch bệnh do virus Corona (nCOV) gây ra đối với Việt Nam sẽ khó lường hơn doViệt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc và tốc độ lây lan của dịch bệnh do virus Corona (nCOV) lớn hơn SARS. Bên cạnh đó, tỷ trọng khách du lịch Trung quốc/Tổng lượng khách quốc tế đang tăng dần qua các năm, chiếm 32% năm 2019 do các hãng hàng không liên tục mở mới các chuyến bay đến các tỉnh Trung Quốc.
KBSV đưa ra các kịch bản về thời gian kéo dài của dịch bệnh do virus Corona (nCOV) sẽ tác động đến tăng trưởng hành khách quốc tế tại Việt Nam với giả định tăng trưởng khách hàng Trung Quốc giảm 75% và hành khách từ các quốc gia khác không tăng trưởng trong các tháng diễn ra dịch.
KBSV kì vọng thời gian kéo dài dịch nCOV sẽ ngắn hơn so với dịch SARS do Chính phủ Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng nhanh chóng hơn.
Đối với các tháng kết thúc dịch, KBSV giả định tăng trưởng 15%, tương đương tăng trưởng năm 2019. Với giả định cơ sở là thời gian dịch này kéo dài 3-4 tháng, KBSV dự phóng lượt hành khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 hầu như không có tăng trưởng, đạt khoảng -1% đến 2%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng năm 2019 là 15%.
Dự phóng tăng trưởng hành khách quốc tế vào Việt Nam năm 2020 dựa theo giả định thời gian kéo dài dịch bệnh do virus Corona (nCOV) gây ra.
Trong bối cảnh đó, các hãng hàng không Việt Nam được dự báo sẽ khó có cơ hội tăng trưởng trong năm 2020.
Theo đó, KBSV dựa trên tỷ trọng doanh thu từ chuyến bay quốc tế đối với Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và Vietnam Airlines lần lượt đạt 66% (số liệu 2019) và 65% (số liệu 2017).
Trong những năm gần đây, động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp chủ yếu đến từ việc mở mới đường bay quốc tế sau khi thị trường trong nước có dấu hiệu bão hòa.
Với kịch bản lượt khách quốc tế không có tăng trưởng 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh do virus Corona (nCOV) cùng với việc cạnh tranh giá vé tăng cao khi hàng loạt các hãng máy bay mới như Bamboo Airways tham gia thị trường, Vietnam Airlines và Vietjet Air sẽ gặp rất nhiều khó khăn để duy trì đà tăng trưởng doanh thu từ vận tải hành khách và hoạt động phụ trợ trong năm 2020.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Thực tế, Báo cáo tài chính quý IV/2019 của Vietjet Air cũng cho thấy, doanh thu vận chuyển hành khách của hãng hàng không do tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo điều hành đạt 10.500 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế năm 2019, doanh thu vận tải hàng không của Vietjet Air đạt 41.097 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế vận tải hàng không đạt 3.936 tỷ đồng, tăng trưởng tương lần lượt 21,4% và 29,3 % so với năm 2018.
Theo đó, kết quả kinh doanh của Vietjet Air ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể một phần nhờ vào chiến lược tăng trưởng doanh thu phụ trợ. Bao gồm các khoản thu dịch vụ cộng thêm, doanh thu vận chuyển hàng hóa, doanh thu bán hàng trên tàu bay (thức ăn, nước uống, đồ lưu niệm) và doanh thu quảng cáo.
Năm 2019, doanh thu phụ trợ của Vietjet Air đạt 11.356 tỷ đồng, tăng 35,2% so với năm 2018. Cơ cấu doanh thu phụ trợ vì vậy cũng chuyển dịch từ mức 25,4% của năm 2018 lên 28% trong tổng doanh thu vận chuyển hàng không của năm 2019.
Theo mô hình các hãng hàng không chi phí thấp (LCC), doanh thu phụ trợ là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của hãng vì tỷ suất lợi nhuận đạt trên 90%. Báo cáo CarTrawler YearBook năm 2019 gần đây nhất cho biết Vietjet Air đang giữ vị trí top 12 của thế giới về tỷ lệ doanh thu phụ trợ trong tổng doanh thu.