Hãng tin CNBC cho hay với lợi thế về tài nguyên sản xuất xe điện cùng các chính sách thân thiện, Indonesia đang thu hút các nhà đầu tư toàn cầu về lĩnh vực này.
Minh chứng cụ thể nhất cho việc này là thỏa thuận đã được công bố về việc VinFast, hãng xe điện của Việt Nam dự kiến sẽ đầu tư tối thiểu 1,2 tỷ USD vào Indonesia trong dài hạn.
Song song với việc phân phối các dòng xe nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn đầu, VinFast sẽ đầu tư 200 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện với sản lượng dự kiến lên đến 30.000 - 50.000 xe/năm tại Indonesia .
Tờ SCMP cho hay Indonesia đã cố gắng mời gọi Tesla mở nhà máy tại đây nhằm thực hiện giấc mơ thành công xưởng phương tiện xanh ở khu vực, thế nhưng Elon Musk vẫn chỉ đặt cược vào Trung Quốc.
Kết quả là VinFast đã trở thành hãng xe điện tiên phong mở toang cánh cửa thị trường lớn nhất Đông Nam Á này.
Cơ hội cho ai?
"Tôi đã nói với Musk rằng nếu ông đầu tư vào Indonesia , tôi sẽ nhượng bộ cho Tesla khai thác Nickel", Tổng thống Indonesia Joko Widodo chia sẻ.
Dẫu vậy, tờ SCMP cho hay Tesla vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào rõ ràng tính đến thời điểm hiện tại.
Ngoài việc bán ô tô, Tesla cũng đang thành lập trụ sở chính, trung tâm dịch vụ và trung tâm trải nghiệm tại Selangor của Malaysia, đồng thời sẽ đầu tư "đáng kể" vào mạng lưới các trạm sạc nhanh và sạc thường trên cả nước.
Tuy nhiên, Elon Musk tuyệt nhiên không đề cập đến việc mở nhà máy như VinFast đã làm.
Xin được nhắc rằng ngay sau thỏa thuận của Vinfast, Tổng thống Widodo đã hoan nghênh và hy vọng các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam tiếp tục hợp tác, đầu tư nhiều hơn nữa vào Indonesia , cùng Indonesia hiện thực hóa mục tiêu của mình, nhất là đầu tư vào khu vực Thủ đô mới Nusantara.
Đây chắc chắn là một cơ hội tốt cho hãng xe điện VinFast khi đi tiên phong vào thị trường này.
Quay trở lại với Tesla, chuyên gia Andry Satrio Nugroho của Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính Jakarta cho biết Nickel không phải là một lời đề nghị hấp dẫn đối với Elon Musk nữa.
"Tesla không sử dụng pin dựa trên Nickel nữa, vì vậy sẽ rất khó để Indonesia thuyết phục Tesla thiết lập một cơ sở sản xuất pin xe điện tại đây. Trớ trêu thay, một trong những điều khiến Musk chuyển sang sử dụng pin Lithium lại chính là do lệnh cấm xuất khẩu quặng Nickel của Indonesia , khiến giá nguyên liệu này tăng lên", ông Nugroho nhận định.
Được biết, pin Lithium không chứa các nguyên liệu mà Indonesia tự hào như Nickel hay Cobalt, đồng thời dễ chế tạo và giá rẻ hơn dù chúng chứa ít mật độ năng lượng hơn so với pin Nickel.
Hệ quả là hiện Elon Musk vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các nhà máy ở Trung Quốc. Phân xưởng Thượng Hải của Tesla chiếm đến 52% tổng sản phẩm của hãng với 711.000 chiếc xe điện xuất xưởng mỗi năm.
Giấc mơ xe điện
Rõ ràng việc Elon Musk do dự với Indonesia đã bỏ qua một cơ hội cực kỳ lớn.
CEO Anindya Novyan Bakrie của Bakrie & Brothers, công ty mẹ của hãng sản xuất xe buýt điện VKTR tại Indonesia nhận định thị trường này sẽ là cửa ngõ cho nhiều tập đoàn quốc tế muốn tiếp cận thị trường Đông Nam Á.
Hiện Indonesia là nước đông dân nhất khu vực với 281 triệu người tính đến năm 2023, xếp hạng thứ 4 toàn cầu về dân số.
Ngoài ra số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng cho thấy Indonesia là nền kinh tế có GDP (tính theo sức mua tương đương-PPP) cao nhất Đông Nam Á, đạt 4.036 tỷ USD năm 2022.
Những con số này biến Indonesia thành thị trường tiềm năng nhất cho các tập đoàn xe điện khi muốn tiếp cận khu vực.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng nổi tiếng về tài nguyên làm xe điện , đến mức hàng loạt hãng Trung Quốc cũng phải đổ về đây để đầu tư nhằm cố gắng kiểm soát chuỗi cung ứng nguyên liệu.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hiện là nước có trữ lượng Nickel lớn nhất thế giới với tỷ lệ 22% toàn cầu. Quốc gia này cũng nổi tiếng về sản xuất đồng, thiếc hay các nguyên liệu cần thiết cho pin xe điện như Cobalt, Boxide...
Báo cáo của ASEAN Briefing cho thấy Indonesia đang là nước xuất khẩu Nickel lớn nhất thế giới và đây là một trong những ưu thế cực kỳ quan trọng để Indonesia tự tin thu hút các nhà sản xuất như Tesla hay Vinfast.
Thêm nữa, Indonesia cũng nhận thức rất rõ được mục tiêu thành trung tâm xe điện của mình, qua đó ban hành hàng loạt các chính sách ưu đãi.
"Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cần thiết cho xe điện của Indonesia đã củng cố sức hấp dẫn của nước này… Ngoài ra còn có các chính sách thu hút đầu tư vào xe điện , đặc biệt là sau khi chính phủ nước này ngày càng kêu gọi tận dụng tài nguyên thiên nhiên của mình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", chuyên gia phân tích Koketso Tsoai của BMI Fitch Solutions nói với CNBC.
Theo CNBC, hiện Indonesia đã cấm xuất khẩu một số kim loại và khoáng sản nhằm thu hút các nhà đầu tư và nhà sản xuất có nhu cầu về những nguyên liệu đó đến nước này hợp tác và đầu tư.
Giấc mơ trở thành trung tâm pin xe điện toàn cầu của quốc gia này đã nhận được sự ủng hộ đáng kể trong những năm gần đây khi các nhà sản xuất ô tô châu Á như Toyota và Huyndai đã đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng cơ sở sản xuất xe điện ở Indonesia .
Báo cáo đầu tư ASEAN năm 2022 cho thấy sản xuất pin xe điện chiếm tỷ trọng đáng kể trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đông Nam Á từ năm 2019 đến năm 2021, đặc biệt là ở Indonesia , Malaysia và Thái Lan.
Tất nhiên theo CNBC, Indonesia sẽ rất khó để thay thế Thái Lan ngay lập tức để trở thành trung tâm sản xuất ô tô trong khu vực khi nước láng giềng đã xây dựng được ngành xe hơi trong thời gian dài.
Ngoài ra, Indonesia cũng sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ có chi phí sản xuất rẻ hơn ở Việt Nam và Philippines
Bất chấp điều đó, hãng tin CNBC nhận định sự tăng trưởng của ngành xe điện Indonesia có thể mang lại hiệu ứng tích cực cho các nước láng giềng. Báo cáo của ngân hàng Maybank cho thấy bằng cách cung cấp khả năng tiếp cận các nguyên liệu chính cho pin xe điện , Indonesia có thể thu hút nhiều đầu tư hơn và giúp khu vực ASEAN phát triển xe điện nhanh hơn, rẻ hơn.
Học tập Trung Quốc
Bên cạnh lợi thế tài nguyên, Indonesia cũng tung ra hàng loạt chính sách kích thích nhu cầu xe điện .
Tờ Channel News Asia (CNA) đưa tin, chính phủ Indonesia chuẩn bị đưa ra loạt ưu đãi hấp dẫn cho người dân khi mua xe điện nhằm thúc đẩy nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải xanh trên toàn lãnh thổ. Các nhà chức trách kỳ vọng rằng xe điện sẽ chiếm 5% tổng doanh số bán xe trong năm nay và gấp đôi tỷ lệ đó vào năm 2024.
Thêm nữa, Indonesia cũng đã và đang triển khai nhiều kế hoạch để phá vỡ những "rào cản" giữa người dân trong nước và xe điện nhằm giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận với sản phẩm này hơn.
Hàng loạt những chính sách ưu đãi đã được tung ra như giảm thuế cho ô tô điện hay trợ cấp cho xe đạp điện. Nhờ đó, giá thành của những mẫu xe điện tại Indonesia rẻ hơn đáng kể, thúc đẩy nhu cầu mua và sử dụng của người dân.
Các công ty sản xuất xe điện tại Indonesia cũng đang tìm mọi cách để thu hút người tiêu dùng nội địa. Oyika – một công ty của Singapore hiện đặt tại Indonesia đã đầu tư các trạm đổi pin cho người dùng xe đạp điện của hãng tại khu vực Jakarta và Bali.
Thay vì mua pin hay sạc pin tại nhà, người dùng chỉ cần đến các trạm sạc này để đổi pin đã cạn lấy pin đã được sạc đầy.
"Trung Quốc là một trong những quốc gia sử dụng xe điện nhiều nhất thế giới vì ngay từ đầu, họ đã để Tesla gia nhập thị trường và cạnh tranh với các hãng xe nội địa của họ. Bằng cách này, các hãng xe điện Trung Quốc đã phải tự nâng cấp các sản phẩm của mình để có thể chiếm ưu thế trên sân nhà. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với Indonesia nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội", một quan chức Indonesia nói với CNA
*Nguồn: CNBC, SCMP, CNA