Trước đây, tỷ phú Ray Dalio – người sáng lập công ty quản lý quỹ đầu cơ hàng đầu thế giới Bridgewater Associates, từng bày tỏ lo ngại về tương lai của Bitcoin. Tuy nhiên, có vẻ như quan điểm của nhà đầu tư này đã thay đổi khi đầu năm nay, ông gọi Bitcoin là một "phát minh tuyệt vời". Ngoài ra, ông tiết lộ rằng mình đang cân nhắc đưa tiền mã hóa vào những quỹ mới mở để khách hàng có thêm lựa chọn.
Trong cuộc phỏng vấn tại một hội nghị diễn ra ngày 6/5 vừa qua (thông tin cụ thể đến ngày 24/5 mới được công bố), Dalio cho biết ông đang sở hữu một số Bitcoin. Tuy ủng hộ đồng tiền số này nhưng vị tỷ phú khẳng định rằng Bitcoin vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Ông nói: "Rủi ro lớn nhất của Bitcoin là sự thành công của nó. Nếu đồng tiền này thành công, điều đáng lo ngại là chính phủ có thể sẽ muốn kiểm soát nó. Mọi người sẽ có khả năng ưa chuộng Bitcoin hơn là trái phiếu. Cá nhân tôi cũng vậy, tôi thích Bitcoin hơn. Và vì thế, các chính phủ sẽ dần mất quyền kiểm soát".
Đây không phải lần đầu tiên Dalio bày tỏ lo ngại về rủi ro liên quan đến quyền kiểm soát của chính phủ. Hồi tháng 1, ông viết trong một bài đăng: "Tôi không phải là chuyên gia về Bitcoin hay tiền số. Tôi cho rằng rủi ro lớn nhất của Bitcoin nằm ở chính nó. Nếu đồng tiền này thành công, chính phủ sẽ tìm cách ‘thủ tiêu’ nó và họ hoàn toàn có khả năng làm như vậy".
Theo Dalio, Bitcoin có thể làm cho các nhà đầu tư trở nên rất giàu có đồng thời có thể gây đảo lộn hệ thống tiền tệ hiện có. Ông nói rằng Bitcoin nói riêng và các loại tiền số khác nói chung dễ tổn thương trước các vụ tấn công mạng và có khả năng trở thành đối tượng bị hạn chế bởi những chính phủ muốn kiểm soát lượng cung tiền.
Đến tháng 3, Dalio đưa ra cảnh báo về khả năng chính phủ Mỹ cấm Bitcoin như đã làm với vàng trong những năm 1930 nếu tiền mã hóa được coi là mối đe dọa đối với trái phiếu kho bạc.
Ông chia sẻ với CoinDesk: "Thế giới sẽ thay đổi với tốc độ cực kỳ nhanh chóng. Ai chiến thắng trong cuộc đua công nghệ thì sẽ chiến thắng tất cả, về kinh tế và quân sự. Đó là điều sẽ xảy ra trong 5 năm tới".
Tuy nhiên, trái với nhận định của Dalio, một chuyên gia fintech cho rằng sẽ không dễ để chính phủ Mỹ cấm Bitcoin một cách triệt để. Người này nói: "Tôi không nghĩ là ngay cả nỗ lực giữa các quốc gia và ngân hàng trung ương trên thế giới có thể thực sự loại bỏ Bitcoin. Điều đó có vẻ như không khả thi về mặt công nghệ. Ngoài ra, Bitcoin có thể được điều chỉnh để phù hợp hơn".
Cách đây không lâu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nhắc lại những quy định mà nước này áp dụng từ lâu để cảnh báo về rủi ro khi giao dịch và đầu tư vào tiền số. Trên thực tế, từ năm 2017, Trung Quốc đã cấm giao dịch Bitcoin và các loại tiền số khác.
Sau đó, ngày 20/5, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố họ đang thực hiện các bước để siết chặt giao dịch và thị trường tiền mã hóa. Cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều coi việc thiết lập quy định về tiền mã hóa là ưu tiên hàng đầu của năm nay.
Nguồn: CNBC