Tỷ phú Thái Lan Dhanin Chearavanont ngày 27/8 lên tiếng trong một quảng cáo trên các tờ báo gồm Ming Pao, Sing Tao và Oriental Daily của Hồng Kông, kêu gọi chấm dứt biểu tình bạo lực tại thành phố này. Ông cũng kêu gọi khôi phục lại trật tự, pháp luật và thịnh vượng chung tại Hồng Kông.
Ông Dhanin Chearavanont hiện là chủ tịch cấp cao của Charoen Pokphand Group Co. (CP Group), tập đoàn đứng sau hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới và thành viên của gia tộc giàu nhất Thái Lan Chearavanont.
Động thái của tỷ phú Thái Lan diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp tại Hồng Kông ngày càng rơi vào thế khó trong căng thẳng giữa những người biểu tình và chính quyền. Trung Quốc đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng những công ty đi quá giới hạn trong các vấn đề liên quan tới biểu tình sẽ phải chịu hậu quả.
Trong khi một số tỷ phú Hồng Kông tỏ quan điểm ủng hộ chính quyền, một số khác kêu gọi cả hai bên kiềm chế. Người giàu nhất Hồng Kông Lý Gia Thành kêu gọi người dân của vùng lãnh thổ này "yêu Trung Quốc, yêu Hồng Kông, và yêu bản thân các bạn".
Tình trạng tại Hồng Kông có ảnh hưởng không nhỏ tới gia đình tỷ phú Chearavanont, gia tộc giàu nhất tại Thái Lan với tài sản 37,9 tỷ USD, theo xếp hạng của Bloomberg. Một trong những tài sản lớn nhất của tỷ phú này là cổ phần tại Ping An Insurance Group Co., hãng bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc và đang niêm yết tại Hồng Kông. Công ty đầu tư CP Pokphand Co. của tập đoàn CP Group do ông làm chủ tịch cũng đang giao dịch trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Trong khi đó, Tse Ping, phó chủ tịch cấp cao của CP Group, cháu trai của ông Chearavanont, hiện cũng là giám đốc điều hành (CEO) của một hãng dược phẩm tại Hồng Kông.
CP Group ra đời gần một thế kỷ trước khi cha của ông Chearavanont rời khỏi ngôi làng ở miền nam Trung Quốc và bắt đầu cuộc sống mới tại Thái Lan. Cha ông khởi nghiệp với việc bán hạt giống rau vào năm 1921. Gần một thế kỷ sau, CP Group trở thành đế chế đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực gồm thực phẩm, bán lẻ và viễn thông.
Phong trào biểu tình đang diễn ra ở Hồng Kông bắt đầu từ tháng 6, ban đầu nhằm phản đối một dự luật lần đầu tiên cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục xét xử. Đây là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở Hồng Kông kể từ khi vùng lãnh thổ này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc đại lục vào năm 1997. Bắc Kinh đã phát tín hiệu cảnh báo có thể mạnh tay can thiệp để trấn áp biểu tình ở Hồng Kông, nhưng phong trào đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Trong khi đó, nền kinh tế Hồng Kông đang đứng trước nguy cơ suy thoái sâu do những thiệt hại mà biểu tình gây ra. Ngoài ra, thiệt hại về uy tín của Hồng Kông - với vai trò trung tâm tài chính của châu Á - được cho là sẽ có tác động lâu dài đến nền kinh tế của vùng lãnh thổ này.