Cuộc chiến Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, gây tổn thất nặng nề về người và của. Kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng mới. Thế giới chứng kiến nhiều tỷ phú rớt hạng nhanh chóng.
Tỷ phú thế giới rớt hạng
Theo Bloomberg, cổ phiếu ngân hàng kỹ thuật số hàng đầu tại Nga Tinkoff, của một trong những người giàu nhất nước Oleg Tinkov, giảm hơn 90% kể từ khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine nổ ra. Cú sụt giảm kinh hoảng khiến khối tài sản của ông chủ Oleg Tinkov bốc hơi khoảng 5 tỷ USD, rớt khỏi danh sách tỷ phú của Forbes.
Tinkoff được biết đến là một ngân hàng số không có chi nhánh trên cả nước, nhưng gần đây phát triển rất mạnh. Cổ phiếu Tinkoff được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán London.
Giá trị vốn hóa của Tinkoff lao dốc từ đỉnh 23 tỷ USD hồi cuối 2021 xuống mức khoảng 1 tỷ USD vào đầu tháng 3/2022.
Ít nhất 10 tỷ phú Nga như Tinkov đã rớt khỏi danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) Nga lao dốc, nhiều cổ phiếu DN Nga tại châu Âu rơi tự do khi phương Tây dồn dập áp các lệnh trừng phạt lên Nga và thế giới rơi vào một cuộc chiến tài chính.
Tỷ phú Nga Oleg Tinkov. |
Một tỷ phú khác cũng mất danh hiệu tỷ phú USD là Arkady Volozh, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công cụ tìm kiếm Yandex của Nga.
Theo CNBC, tài sản của các tỷ phú Nga đã sụt giảm khoảng 80 tỷ USD trong vài tuần qua.
Các tỷ phú Nga bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến Nga - Ukraine không chỉ vì cổ phiếu giảm mà còn do bị đưa vào danh sách trừng phạt. EU gần đây thêm 6 tỷ phú Nga vào danh sách các lệnh trừng phạt của mình, bao gồm Alexey Mordashov, Alisher Usmanov, Mikhail Fridman, Petr Aven, Gennady Timchenko và Alexander Ponomarenko.
Alisher Usmanov có khối tài sản trị giá gần 20 tỷ USD. Timchenko là người đồng sáng lập hãng giao dịch dầu mỏ Gunvor Group. Tỷ phú này mất hơn 11 tỷ USD kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Leonid Mikhelson, CEO công ty khí đốt Novatek chứng kiến tài sản giảm hơn 10 tỷ USD.
Theo Bloomberg, giới nhà giàu Nga có thể còn bị ảnh hưởng hơn nữa khi số tài sản sản mà họ cất giữ tại Thụy Sĩ rất lớn, có thể lên tới 300 tỷ USD khi mà tài sản có thể bị đóng băng trong bối cảnh Thụy Sĩ phá vỡ thế trung lập, cùng EU áp lệnh trừng phạt.
Phương Tây nhằm vào giới tài phiệt Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Các nước cáo buộc nhiều tỷ phú Nga đã trục lợi từ mối quan hệ thân thiết của họ với Tổng thống Nga Putin. Việc trừng phạt như một cách để gây sức ép buộc nhà lãnh đạo Nga dừng chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Không chỉ Nga, nhiều tỷ phú châu Âu cũng ghi nhận tài sản sụt giảm vì cổ phiếu giảm giá.
Tỷ phú thế giới quay cuồng vì chiến sự Nga-Ukraine, đại gia Việt Nam dồn dập bứt phá |
Tỷ phú Việt lên hạng
Trong khi thị trường tài chính thế giới chao đảo, nhiều nền kinh tế đối mặt với lạm phát cao và nguy cơ mất đà hồi phục sau cú sốc đại dịch Covid-19, Việt Nam có triển vọng kinh tế vẫn khá sáng sủa, lạm phát ở mức thấp và được dự báo sẽ tiếp tục hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Các tỷ phú Việt Nam ghi nhận tài sản tăng nhẹ nhưng vị trí trên bảng xếp hạng thế giới tăng mạnh. Lần đầu tiên, Việt Nam ghi nhận 3 tỷ phú lọt top 1.000 người giàu nhất thế giới theo bảng xếp hạng của Forbes vào đầu tháng 3.
Đó là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Tập đoàn Vingroup; ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO hãng hàng không tư nhân Vietjet.
Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tính tới ngày 4/3 đạt 6,2 tỷ USD, xếp thứ 422 trên thế giới. Trong khi đó, tài sản của ông Trần Đình Long đat 3,4 tỷ USD, xếp thứ 892 thế giới. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận tài sản tăng khá mạnh, với 3,1 tỷ USD, nằm ở vị trí thứ 987 trong bảng xếp hạng của Forbes.
Cũng theo Forbes, các tỷ phú USD khác của Việt Nam cũng nằm trong bảng xếp hạng của tổ chức này, gồm: ông ông Hồ Hùng Anh (2,6 tỷ USD), Chủ tịch Techcombank; ông Nguyễn Đăng Quang (2,1 tỷ USD), Chủ tịch Masan Group; ông Trần Bá Dương và gia đình (sở hữu Tập đoàn Thaco, 1,6 tỷ USD).
Ngoại trừ tỷ phú Phạm Nhật Vượng, các tỷ phú khác của Việt Nam gấn đây tài sản đều tăng nhờ giá cổ phiếu hồi phục. Cổ phiếu Hòa Phát (HPG) tăng mạnh nhờ kỳ vọng được hưởng lợi từ giá thép tăng cao. Cổ phiếu Vietjet Air (VJC) cũng tăng rất mạnh do hàng không nội địa đã hoạt động ấn tượng trở lại và kỳ vọng hàng không quốc tế hồi phục khi mở cửa.
Tỷ phú Trần Đình Long lọt top 1000. |
Tỷ phú Phương Thảo. |
Khoảng 1 tháng qua, cổ phiếu HPG hồi phục khá mạnh từ mức 40.000 đồng/cp lên mức 50.000 đồng/cp như hiện tại. Hồi tháng 11/2021, HPG ở mức 58.000 đồng/cp.
Hòa Phát bứt phá từ khi bước chân vào lĩnh vực thép xây dựng, năm 2000. Thị phần thép xây dựng Hòa Phát tại Việt Nam tăng gần 6% trong vòng 1 năm, lên 36,3%. Trong khi, thép xuất khẩu của HPG chiếm 50% toàn ngành.
Ông trùm ngành thép có thể tiếp tục tăng sản lượng thép và xuất khẩu trong vài năm tới, khi DN này đầu tư thêm Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 (vốn đầu tư 85 nghìn tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối 2024).
Gần đây, nhóm cổ phiếu thép tăng mạnh khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra. Theo BSC, Nga là nước xuất thép rất lớn, đứng thứ hai trong số các nhà xuất khẩu vào EU.
Cuộc chiến Nga-Ukraine khiến phương Tây, trong đó có Mỹ và EU, dồn dập đưa ra các lệnh trừng phạt lên Nga và Belarus. Dự kiến, xuất khẩu thép của hai nước này vào EU sẽ tụt giảm, qua đó tạo thuận lợi cho các DN xuất thép của các nước khác trên thế giới.
Theo VNDirect, Việt Nam có thể trở thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới với cơ hội tăng trưởng rất lớn, trong bối cảnh Trung Quốc giảm sản lượng với nhiều chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thép nước này. Các nước khác thì đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng sau đại dịch Covid-19.
M. Hà