Zhou, 40 tuổi, đã lên danh sách gồm nhiều đối tác tên tuổi cho UBTech Robotics. Bộ sản phẩm lắp ráp robot cho trẻ em của startup này hiện đang được bày bán tại các cửa hàng của Apple. Robot kích thước búp bê của hãng có thể sử dụng trợ lý giọng nói ảo Alexa của Amazon. Robot Stormtrooper là đứa con chung của UBTech và Walt Disney. Robot giáo dục của hãng dùng trợ lý giọng nói của Tencent.
Tuy nhiên, robot của Zhou cần cải thiện khả năng xử lý ngôn ngữ. Đây chính là trở ngại lớn khiến các sản phẩm của Zhou chưa được bày bán rộng rãi. Do vậy, ông đang tích cực tuyển dụng và mong muốn phát hành cổ phiếu trong năm tới tại Thâm Quyến nhằm gọi vốn để nâng cao khả năng tuân thủ yêu cầu của con người của robot.
Trong bối cảnh dân số già hóa cùng chi phí lao động tăng, Trung Quốc đã trở thành quốc gia chi tiêu mạnh tay nhất cho robot công nghiệp trong các nhà máy trên toàn thế giới. Hiện nay, sức hấp dẫn của ngành chế tạo robot có khả năng trực tiếp phục vụ con người ngày càng tăng, nhu cầu cũng cao hơn do công nghệ phát triển. Theo Frost and Sullivan, khoản đầu tư của Tencent đã giúp UBTech trở thành doanh nghiệp chế tạo robot tiêu dùng có định giá lớn nhất thế giới. Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, Zhou hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 1,6 tỉ USD.
Trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của UBTech tại Thâm Quyến đầu tháng này, Zhou cho biết: "Từng bước một, tôi muốn đưa robot tới từng gia đình."
Tuy nhiên, những doanh nhân giống như ông cũng đối mặt với nhiều thách thức khi hiện thực hóa tham vọng "quá khổ" của mình trong thực tế. Họ vẫn đang phải điều chỉnh công nghệ của mình, và thường phải đối mặt với nhiều câu hỏi về vấn đề an ninh của sản phẩm. Và tại Trung Quốc, họ phải giải quyết một số câu hỏi đặc biệt khó về bảo mật thông tin của người tiêu dùng.
Ngày nay, robot tại Trung Quốc được trang bị camera có khả năng đưa hình ảnh vào hệ thống giám sát có mặt ở mọi nơi trên toàn quốc. UBTech cho biết mặc dù một vài robot có khả năng giám sát từ xa, nhưng hầu hết các sản phẩm của hãng đều chú trọng vấn đề bảo mật khách hàng. Giống như nhiều đồng hương tại Thung lũng Silicon, Zhou không cam kết bảo đảm bảo mật và duy trì quan điểm đây là vấn đề của chính quyền, không phải là của doanh nhân.
Ông chia sẻ: "Thị trường toàn cầu phụ thuộc vào chính sách."
Tuy vậy, một số nhược điểm tiềm tàng của những công nghệ mới này khá khó giải quyết. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại IOActive đã hack một robot của UBTech nhằm chỉ ra lỗ thủng trong hệ thống. Một đoạn video từ một công ty cố vấn cho thấy robot của hãng đã liên tiếp đập tua vít vào một quả cà chua và cười một cách điên dại.
UBTech tuyên bố hãng đã tiến hành điều tra sau khi tin tức bị hack được công bố và khẳng định không có bất kỳ thiệt hại nào. Doanh nghiệp này cho biết đã thành lập một nhóm an ninh để kiểm tra và khắc phục các nhược điểm kỹ thuật của robot.
Trên thế giới, thị trường robot dịch vụ phục vụ nhu cầu của con người còn khá nhỏ, nhưng doanh số được dự đoán sẽ tăng khi công nghệ cải tiến. Frost& Sullivan dự tính vào năm ngoái, thị trường robot đã thu về 9,1 tỉ USD, trong đó, một phần ba doanh số tới từ Trung Quốc. Doanh số được dự đoán sẽ tăng thêm 25%.
Theo Gudrun Litzenberger, tổng thư ký của Hiệp hội Robotic Quốc tế, tại nhiều quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, ngày càng có nhiều gia đình sử dụng robot trong nhà. Ông từng chứng kiến nhiều gia đình đã cùng nhau tới dự hội chợ robot châu Á.
Litzenberger từng viết trong email rằng: "Trường học và thậm chí là cả trường mẫu giáo cũng tới hội chợ robot. Do đó, sự quan tâm tới robot vốn đã tăng cao từ lâu."
Zhou bắt đầu đam mê robot sau khi xem bộ phim Transformers trên TV. Nhiều năm sau, ông chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu và chế tạo robot sau khi từ bỏ công việc quản lý dây chuyền lắp ráp cho một công ty Đức. Ông đã bán chiếc Porsche và ba căn hộ của mình để đầu tư gây dựng UBTech. Ông cũng dành thời gian học cách tự chế tạo servo, "khớp" của robot theo thuật ngữ chuyên ngành, để tiết kiệm tiền.
Ông cho biết: "Sau đó, tôi nghĩ rằng mình nên chế tạo các Transformers rẻ hơn và ổn định hơn."
Trung Quốc vẫn là thị trường chính của ông dù nhiều robot UBTech đã bắt đầu được bán tại các quốc gia khác gần đây. Những đối thủ của hãng phải kể tới SoftBank Group của Nhật Bản với robot hình người thu nhỏ Nao, Sony với với robot chó Aibo và LG Electronics với robot gia đình Cloi. Ngoài ra, còn phải kể đến một số cái tên như Jibo tại Boston với sản phẩm robot có khả năng tương tác với một gia đình.
Tuy nhiên, UBTech có vị trí khá tốt, đó là nằm tại thị trường đông dân nhất thế giới. Zhou cho biết startup của ông đã bắt đầu đem lại lợi nhuận và ông dự tính doanh số sẽ đạt 2 tỉ nhân dân tệ (288 triệu USD) trong năm này.
Khoảng một phần tư doanh thu tới từ Cruzr, một robot dịch vụ được bán cho các doanh nghiệp. Robot này có thể dẫn đường cho khách trên hành lang, báo tình hình thời tiết và ôm. Một "cỗ máy sinh tiền" khác là robot JIMU giúp huấn luyện trẻ em viết mã, lập trình và chế tạo robot.
Sản phẩm bán chạy nhất của công ty là Alpha Mini được bán với giá 4.999 nhân dân tệ tại Trung Quốc. Robot này có thể đọc sách cho trẻ em, nghe tin tức và học cách mã hóa robot.
Zhou hiện đang tuyển dụng thêm 165 nhân viên cho nhóm nhận diện giọng nói và đã thuê nhiều chuyên gia từ các trường đại học quốc tế.
Ông chia sẻ: "Tôi không chỉ quan tâm tới tiền. Tôi quan tâm tới nguồn lực. Đối với tôi, tiền không là gì nếu không có nguồn lực như công nghệ của các bạn."
Nguồn: Bloomberg