Hai đại gia trong lĩnh vực ô tô và thủy sản hợp tác chăn nuôi quy mô hàng ngàn tỷ đồng khi giá lợn tăng không ngừng. Thị trường chăn nuôi quy mô lớn sôi động hơn bao giờ hết.
CTCP Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh vừa thông qua việc góp vốn thành lập Công ty TNHH Sản xuất Heo giống và Thức ăn chăn nuôi Việt Đan với vốn điều lệ là 556 tỷ đồng.
Đây là động thái mới nhất sau khi đại gia thủy sản miền Tây hợp tác với ông lớn trong ngành ô tô - Thaco Trường Hải của tỷ phú USD Trần Bá Dương. Theo đó, HVG góp 25% vốn và Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi (Thadi) - một công ty con của Thaco sẽ góp 75% vốn còn lại.
Mặt khác, Thadi cũng sẽ đầu tư 65% vào liên doanh THADI - HVG trong sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con trong năm 2020 với tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng, triển khai tại An Giang, Bình Định.
Theo kế hoạch kinh doanh, Thadi của ông Trần Bá Dương sẽ đầu tư chăn nuôi lợn thịt theo tiêu chuẩn EFSA với quy mô 1,2 triệu con/năm nhằm cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường trong ngoài nước.
Quan hệ giữa HVG và Thaco gần đây ngày càng chặt chẽ sau khi doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương bơm tiềm vực dậy đế chế thủy sản của ông Dương Ngọc Minh. Mới đây, Thadi đã hoàn tất bán ra 53,9 triệu cổ phiếu HVG bằng hình thức thoả thuận, không còn nắm cổ phần tại HVG. Tuy nhiên, nhóm Thaco vẫn tăng sở hữu và hiện đang nắm giữ 35,01% vốn HVG, trong đó Thaco nắm giữ 26,26% vốn, Sản xuất và Thương mại Trân Oanh (của nhà ông Dương) nắm giữ 3,79% vốn và bản thân ông Trần Bá Dương giữ 4,96% vốn.
Ông Trần Bá Dương tấn công vào lĩnh vực nông nghiệp sau khi thành công với lĩnh vực ô tô. |
Mặc dù hiện không còn nắm giữ cổ phần nhưng theo một nội dung HVG trình ĐHCĐ 2020 cho thấy, Thadi và bên liên quan được nâng tỷ lệ sở hữu lên 25% vốn mà không cần chào mua công khai. Như vậy, kế hoạch đầu tư vào chăn nuôi lợn của Thaco khá rõ ràng và đang được ráo riết thực hiện.
Giá lợn bắt đầu tăng mạnh từ trong năm 2019 khi mà dịch tả lợn châu Phi đã khiến người chăn nuôi phải hủy hàng triệu con lợn. Lợi hơi từ mức 30.000 đồng/kg hồi giữa 2019 lên mức cao lịch sử, quanh 100.000 đồng hiện tại. Giá lợn thành phẩm tại các siêu thị hiện vẫn quanh 150.000-350.000 đồng/kg tùy loại.
Ngành hàng thịt lợn có quy mô lớn, lên tới khoảng 10 tỷ USD với nhiều doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng như C.P. Việt Nam của tỷ phú Thái Lan, Dabaco. Gần đây, Masan MeatLife cũng đã gia nhập thị trường đầy tiềm năng này với một mặt hàng mới là thịt lạnh.
Sự nhập cuộc của các tỷ phú Việt như ông Nguyễn Đăng Quang, Trần Bá Dương có thể sẽ phá vỡ sự thống trị của người Thái trên thị trường nông nghiệp và thực phẩm Việt.
Thi trường cho thấy sự phân đôi, các tỷ phú Thái Lan và Việt Nam tiếp tục thống trị thị trường chăn nuôi lợn của Việt Nam.
Cách đây khoảng 1 thập kỷ, người Thái với sự xuất hiện của Charoen Pokphand Group (C.P Group) của tỷ phú Chearavanont (tỷ phú giàu nhất Thái 2018) thực sự đã khuấy đảo thị trường nông nghiệp Việt Nam, từ thức ăn chăn nuôi cho tới giết mổ lợn hơi, gà, trứng và các sản phẩm chế biến…
Trên TTCK, một loạt các doanh nghiệp chăn nuôi lợn hoặc/và chế biến thực phẩm từ lợn báo lãi kỷ lục, trong đó có: CTCP Nông Súc Sản Đồng Nai - Dolico (NSS), Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), CTCP Chăn nuôi - Mitraco (MLS), CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản - Vissan (VSN), CTCP Chăn nuôi Phú Sơn (PSL)…
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 21/5, chỉ số VN-Index dao động quanh ngưỡng 850 điểm. Các cổ phiếu blue-chips tiếp tục phân hóa.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục tăng và hướng đến thử thách vùng kháng cự 860-880 điểm trong phiên kế tiếp. Đây là vùng kháng cự mạnh nên BVSC lưu ý khả năng thị trường sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh khi tiến vào vùng cản này trong một vài phiên kế tiếp. Phiên ngày 21/5, thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp biến động mạnh trong phiên, đặc biệt là phiên ATC do đây là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 5.
Dòng tiền trên thị trường sẽ tiếp tục có xu hướng tập trung ở các nhóm ngành như vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp, công nghệ thông tin, dầu khí, phân bón và nhóm hưởng lợi từ EVFTA (dệt may, thủy sản…).
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/5, VN-Index tăng 6,99 điểm lên 852,91 điểm; HNX-Index giảm 1,88 điểm xuống 106,94 điểm. Upcom-Index tăng 0,22 điểm lên 54,01 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5,0 ngàn tỷ đồng.
V. Hà