Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nhấn mạnh tại Hội nghị Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị khoá XI, ngày 14/11.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, khi ban hành Nghị quyết 09, thời điểm đó đất nước bắt đầu bước vào đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
"Nghị quyết 09 ra đời với sứ mệnh nhằm phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân. Đây là lần đầu tiên Đảng ban hành một nghị quyết riêng về đối tượng này", Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nói.
Bởi trước đây doanh nhân còn nằm "đâu đó" trong các nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội của Đảng. Nhưng khi Bộ Chính trị ban hành riêng một nghị quyết nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế. Và sau hơn 10 năm, qua các chuyến đi khảo sát tại địa phương, báo cáo từ các bộ, ngành thì có thể khẳng định một số điểm sau.
Thứ nhất, nhận thức vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong toàn xã hội và hệ thống chính trị đã có sự chuyển biến một cách rất rõ nét.
"Trong các chuyến đi khảo sát tại một số địa phương, làm việc với các bộ, ngành thì đều khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân. Ban Cán sự Đảng, các tổ chức Đảng trong cả nước đặc biệt quan tâm", Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An khẳng định.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An. Ảnh: Nguyễn Việt
Thứ hai, đội ngũ doanh nhân đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Mục tiêu của Nghị quyết 09 đặt ra đến năm 2020 Việt Nam có doanh nhân tầm khu vực Đông Nam Á. Thực tế, hiện nay Việt Nam đã có 7 tỷ phú USD. Chỉ cần một "nhịp thở" của các tỷ phú này cũng đã tác động không chỉ đến nền kinh tế Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực.
"Đây là kỳ vọng mà Nghị quyết 09 chưa đề cập đến", Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nói.
Với 3 quan điểm, 1 mục tiêu bao trùm và 7 giải pháp của Nghị quyết 09 chúng ta thực hiện hơn 10 năm qua đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, từ nhận thức đến thực chất. Đặc biệt, đội ngũ doanh nhân ngày càng khẳng định vị trí chính trị của mình rõ hơn, không chỉ thuần tuý là phát triển kinh tế. Họ có vị trí chính trị, vị trí xã hội và đóng góp rất tích cực cho sự phát triển chung của đất nước.
Thứ ba, tại sao đề xuất xây dựng một nghị quyết mới? Hoàn cảnh ra đời Nghị quyết 09 đòi hỏi công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhưng hiện nay phải xây dựng đất nước phát triển đến năm 2030 là nước đang phát triển, đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, và trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế quốc tế như ngày nay".
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Việt
Như vậy, "ở vị trí chưa bao giờ có được vị trí như ngày nay" thì vấn đề xây dựng đội ngũ doanh nhân, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân cũng sẽ phải ở vị trí khác.
Nghị quyết 09 nói nhiều về doanh nhân và lấy doanh nhân là chủ yếu. Còn tại nghị quyết mới dự kiến và trong nội hàm có doanh nhân nhưng gắn với doanh nghiệp. Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò phát triển đội ngũ doanh nghiệp tương xứng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
"Với tư duy này, sau khi tổng kết và trên cơ sở tổng kết sẽ báo cáo Bộ Chính trị đề nghị ban hành nghị quyết mới", Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An bày tỏ.
Vẫn theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, cho đến thời điểm này các đơn vị đều đồng thuận trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 09, những đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, các tổ chức đảng và cả nước để hoàn chỉnh báo cáo Bộ Chính trị tổng kết Nghị quyết 09, đồng thời trong điều kiện và bối cảnh mới sẽ đề nghị ban hành nghị quyết mới, với mục tiêu xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới, đó là đất nước phát triển và có thu nhập cao.