Nghị quyết 66 của Chính phủ mới đây đã có những nội dung đáng chú ý, một trong số đó là mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
Việt Nam ở đâu trong bản đồ tỷ phú toàn cầu?
Trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes, Hoa Kỳ hiện là quốc gia có nhiều tỷ phú nhất: 813 tỷ phú với tổng tài sản trị giá 5,7 nghìn tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ hai, với 473 (bao gồm cả Hồng Kông) với tổng tài sản 1,7 nghìn tỷ USD, bất chấp chi tiêu tiêu dùng yếu và vụ phá sản bất động sản đã khiến khoảng 300 tỷ USD tài sản bị mất đi. Tiếp đó là Ấn Độ, quốc gia có 200 tỷ phú đứng thứ ba. Trong khi đó, Việt Nam hiện mới chỉ có 6 tỷ phú lọt vào danh sách này.
Trong số 10 tỷ phú giàu nhất Châu Á theo danh sách của Forbes, có 4 tỷ phú từ Trung Quốc, 3 tỷ phú từ Ấn Độ, 3 tỷ phủ còn lại đến từ Nhật Bản, Indonesia và Hồng Kông. Người giàu nhất Châu Á là tỷ phú Mukesh Ambani người Ấn Độ với khối tài sản 111, 8 tỷ USD. Hiện ông đang đứng ở vị trí 11 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. Trong khi đó, người đứng cuối cùng trong danh sách này là tỷ phú Savitri Jindal và gia đình đến từ Ấn Độ với tổng tài sản 35 tỷ USD, gấp 7 lần tài sản người giàu nhất Việt Nam (Ông Phạm Nhật Vượng: 4,7 tỷ USD).
Năm 2024 là một năm lập kỷ lục đối với những người giàu nhất hành tinh. 2.781 người trong danh sách Tỷ phú Thế giới năm nay có tổng tài sản là 14,2 nghìn tỷ USD, tăng 2 nghìn tỷ USD so với năm ngoái và tăng 1,1 nghìn tỷ USD so với mức đỉnh trước đó vào năm 2021. 2/3 danh sách đã "nâng cấp" tài sản trong năm qua với số tiền đáng kinh ngạc.
8 trong số 10 tỷ phú có lợi nhuận 500 tỷ USD trong năm qua đều là ông trùm công nghệ Hoa Kỳ, trong đó có 6 người thuộc "Bộ bảy vĩ đại" - Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon, Nvidia, Tesla và Meta - cổ phiếu của những công ty này là động lực chính thúc đẩy thị trường tăng trưởng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Cơn sốt AI đang thực sự càn quét thế giới công nghệ.
Mark Zuckerberg mà người đứng đầu trong danh sách tỷ phú kiếm được nhiều tiền nhất trong 12 tháng qua. Giá trị tài sản ròng của anh đã tăng thêm 112,6 tỷ USD khi giá trị cổ phiếu của Meta tăng gần gấp 3 lần, kể từ sau đợt sa thải hàng loạt nhân viên và các thương vụ đặt cược lớn vào công nghệ AI và metaverse. Zuckerberg hiện có tài sản ước tính khoảng 177 tỷ USD - là người giàu thứ tư thế giới, tăng hàng chục bậc so với vị trí thứ 16 năm ngoái.
Các ông trùm công nghệ khác đã khai thác làn sóng AI bao gồm Jensen Huang, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của công ty chip Nvidia , người lần đầu tiên lọt vào danh sách 20 người giàu nhất thế giới, với tài sản năm nay cao hơn gần 56 tỷ USD so với năm 2023. Tiếp đến là Steve Ballmer, cựu CEO của Microsoft, nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI; và Larry Ellison, đồng sáng lập, giám đốc công nghệ và là cổ đông lớn nhất của gã khổng lồ phần mềm Oracle.
Trong năm qua, các công ty công nghệ - cả mới và cũ - đã chứng kiến giá cổ phiếu của họ tăng vọt, khiến các ông trùm công nghệ trên thế giới trở nên giàu có hơn và đưa hơn chục tỷ phú AI mới vào danh sách Tỷ phú Thế giới của Forbes.
Chân dung 6 tỷ phú USD của Việt Nam
Tính đến hiện tại, Việt Nam đã có 6 cái tên xuất hiện trong danh sách Những người giàu nhất thế giới do Forbes xếp hạng. Đây là những tên tuổi lớn, điều hành các doanh nghiệp nghìn tỷ tại Việt Nam như ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long, ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Bá Dương cùng gia đình.
Danh sách hiện tại của Forbes cập nhật tài sản của 2.781 tỷ phú. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng vẫn đang là người có tài sản lớn nhất trong danh sách người giàu Việt Nam với tài sản ròng 4,3 tỷ USD tính đến ngày 10/05/2024. Chủ tịch Vingroup cũng là doanh nhân Việt Nam đầu tiên lọt danh sách tỷ phú USD do Forbes bình chọn vào năm 2013, xếp thứ 974 và duy trì tên tuổi trong danh sách này từ đó đến nay.
Trong suốt 12 năm trong danh sách tỷ phú USD của Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng có lúc đạt 7,3 tỷ USD vào năm 2021. Đến năm 2023, ngay sau khi cổ phiếu Vinfast (VFS) niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ với giá tăng đã đưa tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh, có lúc đạt 84 tỷ USD và lọt top 16 người giàu nhất thế giới, trở thành người giàu nhất châu Á. Tuy nhiên sau đó, Forbes đã điều chỉnh xếp hạng này và định giá lại tài sản của ông Vượng, tài sản của ông giảm xuống dưới 7 tỷ USD với lý do tỷ lệ thả nổi cổ phiếu thấp và định giá lại giá trị của Vinfast như một công ty tư nhân chưa niêm yết. Động thái này đã đưa ra các phản ứng trái chiều trong thời điểm đó, tuy nhiên phương pháp này tiếp tục được Forbes duy trì. Đến hiện tại, với tài sản ghi nhận 4,3 tỷ USD, ông Phạm Nhật Vượng đang xếp thứ 737 trong danh sách tỷ phú của Forbes.
Ông Phạm Nhật Vượng cũng là người Việt Nam duy nhất từng lọt danh sách 500 tỷ phú thế giới của Bloomberg (Bloomberg Billionaires Index).
Hiện ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu trực tiếp hơn 18% cổ phần Vingroup với giá trị trên sàn chứng khoán hiện tại khoảng 31.107 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Vượng còn là cổ đông lớn tại nhiều công ty khác như CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Nam, CTCP Quỹ giải thưởng Vinfuture, CTCP Giải pháp năng lượng VinES, CTCP Asian Star Trading & Investment, CTCP Giải pháp năng lượng VinES Hà Tĩnh, CTCP Di chuyển xanh và thông minh GSM. Trong đó, Vingroup, Tập đoàn đầu tư Việt Nam và Asian Star Trading & Investment là 3 cổ đông chính của Vinfast.
Xếp sau ông Vượng trong danh sách người giàu là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Vietjet Air. Bà Thảo cũng là doanh nhân nữ Việt Nam đầu tiên và hiện là duy nhất lọt top danh sách tỷ phú do Forbes thống kê. Cuối ngày 10/05/2024, tài sản của bà Thảo được Forbes công bố là 3 tỷ USD, xếp thứ 1.141 trong danh sách người giàu. Tài sản của bà Thảo đến từ việc sở hữu cổ phần hãng hàng không Vietjet Air cùng cổ phần tại HD Bank. Ngoài ra, tài sản được Forbes thống kê cũng bao gồm bất động sản, bao gồm các khách sạn và resort. Nữ doanh nhân này cũng từng lọt top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2019 do Forbes bình chọn.
Hiện bà Thảo đang sở hữu trực tiếp hơn 108 triệu cổ phiếu HDB và hơn 47 triệu cổ phiếu VJC, tổng giá trị theo giá trị thị trường khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Thảo còn giữ vị trí lãnh đạo cấp cao tại các doanh nghiệp khác như CTCP Tập đoàn Sovico, Công ty TNHH Galaxy One, Công ty tài chính HD Saison, Công ty Bảo hiểm HD, Công ty TNHH Đầu tư Hướng dương Sunny.
4 tỷ phú Việt Nam còn lại trong danh sách, mỗi người đều có một ngành nghề kinh doanh riêng khác nhau. Như ông Trần Đình Long nổi lên với Thép Hòa Phát, tính đến nay đang có tài sản 2,5 tỷ USD và xếp thứ 1.364 trong danh sách.
Ông Hồ Hùng Anh (1,8 tỷ USD) và ông Nguyễn Đăng Quang (1,1 tỷ USD) là cộng sự cùng đầu tư vào ngân hàng Techcombank và sau đó cùng xây dựng nên đế chế hàng tiêu dùng Masan Group. Đến nay, ông Hồ Hùng Anh tập trung vào phát triển Techcombank và hiện giữ vai trò Chủ tịch HĐQT ngân hàng, còn ông Nguyễn Đăng Quang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Masan Group.
Trong danh sách, ông Nguyễn Bá Dương và gia đình được Forbes thống kê tài sản chung với mức 1,2 tỷ USD, hiện giữ vị trí 2.434 trên bảng xếp hạng. Vị doanh nhân này là người thành lập tập đoàn Thaco - một tập đoàn đa ngành với các ngành nghề ô tô, bất động sản, nông nghiệp, logistics. Khác với các doanh nhân trên, Thaco chưa niêm yết, do đó việc định giá tài sản của riêng ông Dương là điều không dễ dàng.
Kỳ vọng vào tương lai của các doanh nhân Việt
Định giá tài sản của Forbes hay các tổ chức nước ngoài không chỉ bao gồm giá trị cổ phần mà họ nắm giữ. Được biết, Forbes đã kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để định giá được giá trị cổ phần trong các công ty tư nhân, nhà nước, bất động sản, tiền mặt hay các khoản đầu tư giá trị khác. Do vậy, sẽ không khó để bắt gặp những trường hợp có tỷ phú USD xuất hiện dù tài sản khiêm tốn trên sàn chứng khoán như ông Trần Bá Dương hay những tỷ phú trong nước có tài sản trên sàn chứng khoán lớn nhưng chưa bao giờ xuất hiện trong xếp hạng của Forbes như ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) trước đây.
Dù vậy, thị trường chứng khoán vẫn là một thước đo quan trọng góp phần xác định giá trị tài sản của các doanh nhân lớn. Nhiều doanh nhân cũng được kỳ vọng sẽ đưa cổ phiếu tăng trưởng mạnh và bước vào danh sách tỷ phú USD trên thế giới.
Hiện trong top 5 những người giàu nhất sàn chứng khoán, ngoài sự xuất hiện của 4 vị tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Hồ Hùng Anh thì còn một cái tên xuất thân từ ngành bất động sản là ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch CTCP Tập đoàn Sunshine. Nổi lên trong vài năm gần đây qua nhiều dự án bất động sản, ông Tuấn cũng dần đầu tư thêm vào ngành tài chính là ngân hàng KienLongBank. Bắt đầu từ năm 2021, ông Đỗ Anh Tuấn xuất hiện trong top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với giá trị cổ phần lúc đó trên 38.000 tỷ, vượt qua cả bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Năm 2022, giá trị tài sản của ông Tuấn còn 28.905 tỷ và giảm tiếp trong năm 2023, đến nay tài sản ghi nhận là hơn 23.000 tỷ đồng. Dù vậy, ông Tuấn chưa bao giờ xuất hiện trong bảng thống kê người giàu của Forbes.
Cùng trong ngành bất động sản và duy trì vị thế trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch CTCP Bất động sản Phát Đạt (PDR) và ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Novaland cũng nắm tài sản lớn thông qua cổ phiếu niêm yết và các khoản đầu tư gián tiếp.
Dù tài sản trên sàn chứng khoán không cao như các doanh nhân khác cùng ngành, song bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG đã nổi danh từ rất lâu trên thị trường bất động sản - tài chính cùng nhiều công ty con, nhiều dự án bất động sản lớn với danh mục khách sạn, siêu thị bán lẻ, dược phẩm trải dài. Tiêu biểu là những khách sạn lớn như Hilton Gargen Inn Hanoi, Sheraton Grand Đà Nẵng, Intercontinental Hanoi Westlake… Với khối dự án đồ sộ, nhiều người vẫn cho rằng tài sản của bà Nga đã vượt rất xa mức tỷ USD.
Ngoài ngành bất động sản, chúng ta cũng có thể kỳ vọng vào các doanh nhân sáng lập và phát triển các doanh nghiệp lớn và sẽ phát triển hơn nữa trong xu thế hiện nay như ông Trương Gia Bình - Chủ tịch CTCP FPT. Hiện ông Trương Gia Bình đang sở hữu hơn 77 triệu cổ phiếu FPT và một lượng nhỏ cổ phiếu TPBank. Chỉ riêng cổ phiếu FPT với mức tăng ấn tượng trong 3 tháng đầu năm nay đã đưa giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Bình từ hơn 7.000 tỷ nay đã vượt quá 10.000 tỷ. Với giá trị tài sản này, ông Bình đã bước vào top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán hiện nay.
Tài chính đầu tư và Công nghệ được thống kê là hai ngành tạo ra nhiều tỷ phú hàng đầu thế giới, đây cũng chính là xu hướng của tương lai. Việt Nam có thể đặt niềm tin vào những doanh nhân uy tín lâu năm đang điều hành dẫn dắt các doanh nghiệp lớn và cũng có thể hy vọng vào những thế hệ doanh nhân mới, những "kỳ lân" tỷ đô đang và sẽ được hình thành trong tương lai.