Ông chủ Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là ông Nguyễn Văn Trường, thường được giới kinh doanh gọi là tỷ phú Xuân Trường. Ông Trường sinh năm 1963 tại thôn Chi Phong, xã Trường Yên - Hoa Lư - Ninh Bình. Là doanh nhân kín tiếng, ít xuất hiện trước công chúng, nhưng ông lại có tiếng trong giới kinh doanh khi được biết đến là tổng giám đốc Doanh nghiệp Xuân Trường, chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Du lịch Hoa Lư, Giám đốc Khách sạn Hoa Lư...
Vị doanh nhân này được biết đến là một người sùng đạo Phật, có cuộc sống bình dị, ăn chay trường từ nhiều năm nay. Những dự án mà tỷ phú Xuân Trường đã và đang xây dựng cũng mang dấu ấn tâm linh ở khắp miền Bắc, mà điển hình là chùa Bái Đính. Ngoài ra, tỷ phú Xuân Trường còn đang ấp ủ kế hoạch xây dựng nhiều siêu dự án du lịch tâm linh khác như khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Khu du lịch Tam Trúc - Ba Sao (Hà Nam), khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hà Nam)....
Trong tháng 11 mới đây, theo báo Dân trí, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã gửi văn bản lên UBND TP Hà Nội xin ý kiến về đề xuất của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thực hiện siêu dự án du lịch tâm linh ở khu vực chùa Hương.
Cụ thể, công văn 7257/KH&ĐT-NNS của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề xuất xây siêu dự án Khu du lịch tâm linh Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Quy mô diện tích khoảng 1.000ha và tổng mức đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội lưu ý về đề xuất trên với các cơ quan chức năng khi đối chiếu với các dự án hiện có đã được lãnh đạo thành phố cho phép lập quy hoạch để tránh trùng lắp.
Còn theo đề xuất của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, vị trí khảo sát thực hiện dự án này nằm ở giữa khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) và chùa Hương, giáp bến đò Suối Yến ở phía Bắc, giáp dãy núi ở phía Tây, giáp sông Đáy thuộc tỉnh Hà Nam. Địa thế này rất phù hợp phát triển dự án du lịch tâm linh với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ là núi đá và đầm lầy.
Các hạng mục triển khai sẽ gồm việc nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng…
Chủ đầu tư siêu dự án này cam kết nếu được triển khai sẽ đảm bảo khu du lịch Hương Sơn trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc Hà Nam và năm 2028. Có thể đón 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và ngân sách khoảng 1000 tỷ đồng/năm.
Ở một diễn biến khác, trước đó Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch chung dự án này đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng của Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc với quy mô khách du lịch ước tính lên đến 4 triệu lượt người vào năm 2030; bảo tồn và phát huy các thế mạnh của khu vực Hồ Núi Cốc về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái rừng.
Được biết, dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc có tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến ban đầu khoảng 15.000 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước vốn của Nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác được động thổ xây dựng từ năm 2016.
Vùng thực hiện dự án thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của 3 địa phương gồm thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ. Diện tích quy hoạch sử dụng đất khoảng 18.940 ha, trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha.