Theo báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam tháng 4 của Bộ phận phân tích khối khách hàng cá nhân SSI Retail Research, trong quý I/2019, giá trị giao dịch (GTGD) thị trường cơ sở bình quân mỗi phiên đạt 4,27 nghìn tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức 5,85 nghìn tỷ đồng trong tháng 3.
GTGD của thị trường chịu ảnh hưởng từ hoạt động thu hẹp giao dịch của NĐTNN. Tỷ trọng của khối ngoại tính trên tổng GTGD chỉ đạt 11,83%, thấp nhất kể từ tháng 1/2018.
Giá tri mua vào và bán ra bình quân mỗi tháng của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) lần lượt đạt 16,52 nghìn tỷ đồng và 14,9 nghìn tỷ đồng, cải thiện dần từ tháng 1 đến tháng 3. Tuy nhiên, xu hướng này đã đảo chiều trong tháng 4 khi giá trị mua và giá trị bán giảm 51,6% và 53,24% so với tháng trước, lần lượt về mức 10,14 tỷ đồng và 9,23 nghìn tỷ đồng.
Mức giảm mạnh hơn của chiều bán giúp thị trường ghi nhận thêm 1 tháng mua ròng của khối ngoại với giá trị đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Tính riêng trên HOSE, khối ngoại mua ròng 660 tỷ đồng (giảm 32,7% so với tháng trước) trong đó kênh khớp lệnh chiếm 88,5% cơ cấu giao dịch. MSN, GAS, VHM dẫn đầu nhóm mua ròng với giá trị tương ứng là 452,1 tỷ đồng, 319,2 tỷ đồng và 244 tỷ đồng.
Dòng vốn ETF bắt đầu chững lại. Thực tế, các quỹ ETF vẫn duy trì mua ròng 364,3 tỷ đồng, đồng nghĩa với tháng thứ 5 mua ròng liên tiếp của nhóm này, trong đó VFM VN30 đóng góp tỷ trọng 35%.
Tuy nhiên, kể từ tháng 2, quy mô mua ròng giảm dần, trong đó tháng 4 giảm mạnh 72,2% so với tháng trước. Đây là diễn biến mang tính chất mùa vụ, sau quá trình giải ngân tích cực vào giai đoạn đầu năm, các quỹ ETF thường hạn chế giao dịch trong giai đoạn kế tiếp. Ví dụ, năm 2018, giá trị mua ròng 2 tháng đầu năm qua kênh ETF đạt 3,45 nghìn tỷ đồng, trước khi nhóm này bán ròng 935 tỷ đồng trong tháng 3 và mua ròng nhẹ trong tháng sau đó.