Thời điểm Uber rút khỏi thị trường Việt Nam chỉ còn tính bằng giờ, kéo theo đó là lo lắng, buồn bã của những tài xế từng gắn bó với hãng công nghệ này. Nhưng với các hãng taxi, xe ôm công nghệ trong nước, điều này cũng đang tạo ra một cơ hội để tham gia cuộc đua “khốc liệt” với Grab trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ kết nối hành khách với tài xế.
Theo tìm hiểu của PV, từ khá sớm các doanh nghiệp về công nghệ, vận tải đã có sự chuẩn bị để lấp vào khoảng trống mà Uber để lại. Điển hình, ứng dụng gọi xe Vivu khi được Công ty Vận tải xe khách Phương Trang đầu tư 100 triệu USD (hơn 2.200 tỷ đồng) và đổi tên thành Vato dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 5.2018. Nhưng việc Uber bất ngờ rút khỏi thị trường Việt Nam (từ ngày 8.4), Vato nhanh chóng được triển khai ngay trong tháng 4 dù nhiều tài xế than phần mềm này còn nhiều lỗi.
Nhiều ứng dụng gọi xe trong nước sẵn sàng tham gia thị trường (Ảnh: ML)
Theo ông Trần Thành Nam, người sáng lập Vivu (nay là Vato), để thu hút người sử dụng, Vato chấp nhận chi số tiền lên hàng chục tỷ đồng. Bất kỳ ai giới thiệu xe đăng ký Vato sẽ được hưởng 10.000 đồng/xe. Đáng chú ý, Vato sẽ hỗ trợ tài xế 45.000 đồng/cuốc xe. Vào giờ cao điểm, Vato sẽ thanh toán cho tài xế 20% doanh số, tức không thu phí. Vato còn tặng 2 chuyến đi cho khách với mức khuyến mãi 50%/chuyến, tối đa không quá 30.000 đồng/chuyến.
Vato cho biết sẽ áp dụng mức giá cước mềm để thu hút người sử dụng. Với xe ôm công nghệ của Vato, giá cước là 3.600 đồng/km, còn ôtô 8.500 đồng/km. Tại khu vực TP.HCM, một cuốc ôtô của Vato có mức giá tối thiểu 30.000 đồng, Hà Nội 25.000 đồng, còn xe ôm 10.000 đồng. Ngoài ra ứng dụng của Vato còn cho phép khách trả giá (mặc cả) với cả tài xế.
Với những chính sách này, đại diện Vato khẳng định tự tin tham gia vào cuộc đua trong lĩnh vực gọi xe tại thị trường thành phố. Thực tế những ngày qua mỗi ngày có hàng chục ngàn người cài đặt phần mềm Vato, trong đó có hàng ngàn người đăng ký làm tài xế.
Còn thông tin từ Tập đoàn Mai Linh cho biết gần đây các đối tác là tài xế ôtô và xe máy đăng ký chạy cho Mai Linh rất nhiều. Mỗi ngày có hàng trăm người đăng ký Mai Linh Bike, chủ yếu là từ Uber chuyển sang. Đến nay hãng này đã có hơn 10 ngàn người đăng ký ứng dụng Mai Linh Bike.
Để thu hút đối tác, Mai Linh cam kết chỉ thu 15% chiết khấu và tặng 100% phí đồng phục cho đối tác lái xe nếu trong tháng đầu đạt doanh thu từ 2,5 triệu đồng trở lên. Đáng chú ý, hãng này cũng cho biết sẽ mua bảo hiểm cho tất cả đối tác lái xe sau khi họ hoạt động được 6 tháng. Mức giá cước được Mai Linh Bike áp dụng là 11.000 đồng/2 km đầu và 3.700 đồng/km tiếp theo, đồng thời hãng cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm.
Đại diện Mai Linh cho rằng việc Uber rút khỏi thị trường Việt Nam là cơ hội tốt để hãng giành lại thị phần nhưng đồng thời đây cũng là thách thức. “Phải chứng minh sản phẩm của người Việt có công nghệ tốt, dịch vụ tốt không thua kém sản phẩm công nghệ của nước ngoài thì mới thành công được”, vị đại diện này chia sẻ.
Chuyên gia cho rằng việc Uber, Grab về chung nhà sẽ tạo cơ hội cho các ứng dụng trong nước phát triển (Ảnh: IT)
Nhiều chuyên gia nhận định việc Uber rút khỏi thị trường Việt Nam tạo thay đổi lớn trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào vận tải, đồng thời khuyến cáo người dùng không nên lo lắng về sự độc quyền của Grab. Bởi có nhiều ứng dụng gọi xe trong nước xuất hiện việc cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ nhiều hơn. Các ứng dụng trong nước muốn tồn tại cũng buộc phải đổi mới, tiện ích hơn. Khi đó giá cả sẽ cạnh tranh hơn, công nghệ, chất lượng dịch vụ cũng sẽ được nâng lên và người sử dụng dịch vụ được lợi nhất.
Chuyên gia giao thông, Tiến sỹ Phạm Sanh cho rằng thị phần tại TP.HCM vẫn còn rất lớn. Việc Uber rút khỏi thị trường Việt Nam là cơ hội tốt để các doanh nghiệp vận tải trong nước phát triển. Tuy nhiên để làm được điều đó doanh nghiệp phải đổi mới cho phù hợp với xu hướng thì mới phát triển. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thể hiện vai trò quản lý để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng.