Theo thỏa thuận, Grab sẽ mua lại tất cả hoạt động của Uber trong khu vực 620 triệu dân ở Đông Nam Á, bao gồm dịch vụ giao thực phẩm UberEats. Đổi lại, Uber sẽ nhận được 27,5% cổ phần của Grab và CEO Dara Khosrowshahi của Uber sẽ tham gia đội ngũ lãnh đạo của công ty đối thủ.
Grab sẽ tiếp quản các hoạt động và tài sản của Uber ở Singapore, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Giá trị của thương vụ này không được tiết lộ.
Grab hoạt động tại 191 thành phố ở Đông Nam Á bao gồm Phnom Penh. Ảnh: Getty.
Theo Bloomberg, thỏa thuận trên đánh dấu thắng lợi cho Grab cũng như Tập đoàn SoftBank, cổ đông lớn nhất của cả Uber và Grab. Tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản đang tìm cách giảm sự cạnh tranh tại thị trường đi chung xe đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á.
Trước đó, Uber từng rút khỏi 2 thị trường lớn khác là Trung Quốc và Nga bằng các thỏa thuận tương tự. Tháng 8/2016, Didi, công ty cung cấp dịch vụ đi chung xe tại Trung Quốc, đã mua lại thị phần của Uber ở nước này. Tháng 7/2017, Uber cũng rút khỏi Nga bằng cách sáp nhập với đối thủ hàng đầu là Yandex.Taxi.
Đối với Anthony Tan, giám đốc điều hành và người đồng sáng lập Grab, vụ mua bán này sẽ chấm dứt cuộc chiến khốc liệt để giành vị thế dẫn đầu ở Đông Nam Á giữa Uber và Grab.
Xuất phát từ ứng dụng gọi xe ra mắt ở Kuala Lumpur năm 2012, Grab đã trở thành dịch vụ đi chung xe hàng đầu khu vực với số vốn 4 tỷ USD từ các nhà đầu tư. Hiện tại, Grab cung cấp dịch vụ đi chung xe tại 191 thành phố trên khắp Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.