Khoảng một năm về trước, Cục Thuế TP.HCM đã có quyết định truy thu và phạt vì nợ thuế đối với Uber B.V với tổng số tiền 66,68 tỉ đồng.
Sau một thời gian có quyết định của Cục Thuế, Uber đã đóng một khoản 13 tỉ đồng, và vẫn còn nợ hơn 53 tỉ đồng. Cục Thuế TP.HCM khi đó đã ra quyết định cưỡng chế tài khoản của Uber. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã không đồng tình với Cục Thuế TP.HCM nên đã khiếu nại lên Bộ Tài chính, và sau đó khởi kiện lên Tòa án Nhân dân TP.HCM. Thế nhưng trong quá trình tòa đang xem xét vụ kiện, thì đầu tháng 4.2018, Uber Đông Nam Á đã được sáp nhập vào Grab.
Khi đó Grab Việt Nam – bên nhận chuyển giao dịch vụ Uber tại Việt Nam - lại cho rằng trong thỏa thuận thương vụ Uber Đông Nam Á sáp nhập vào Grab không hề có điều khoản qui định Grab Việt Nam phải chịu trách nhiệm thay Uber đóng khoản nợ thuế còn lại. Trong khi đó, Cục Thuế TP.HCM còn vướng vụ kiện của Uber nên chưa thể xúc tiến các biện pháp tiếp theo để truy thu nốt khoản nợ thuế còn lại.
Bây giờ, tuy Uber B.V rút kiện, nhưng làm thế nào để Cục Thuế TP.HCM truy thu được khoản tiền nợ thuế hơn 53 tỉ đồng cũng là một vấn đề không đơn giản nếu Uber B.V không tự nguyện nộp.
Trước đây, theo các chuyên gia, xác suất rất thấp để cho Cục Thuế có thể truy thu được khoản nợ nếu Uber cố tình không nộp khi họ đã hoàn toàn rút khỏi Việt Nam (đại diện còn ở Singapore).
Biện pháp khả dĩ còn lại là làm việc với Grab. Nếu Grab cho rằng không có qui định trách nhiệm nộp thuế thay Uber trong hợp đồng thương vụ sáp nhập thì cần phải trưng ra cơ sở để chứng minh, trên cơ sở đó Cục Thuế TP.HCM mới có thể tính bước đi tiếp theo. Còn ngược lại, nếu Grab Việt Nam không chứng minh được và cũng không muốn trưng ra điều khoản trong hợp đồng thương vụ sáp nhập, thì Cục Thuế có thể vận dụng các qui định của pháp luật hiện hành để chế tài doanh nghiệp này.
Cho dù Uber B.V rút đơn kiện, nhưng chưa có gì chắc chắn rằng khoản nợ thuế hơn 53 tỉ đồng không tiếp tục bị “lơ lửng”. Trên thực tế, dù chưa làm rõ được việc Grab có trách nhiệm phải trả thay khoản nợ thuế của Uber trong thỏa thuận thương vụ sáp nhập hay không nhưng để dây dưa khoản nợ thuế này cũng chẳng hay ho gì đối với Grab Việt Nam, thậm chí thương hiệu này còn bị mang tiếng lây là cố tình lảng tránh trách nhiệm.
Ngược lại, nếu Grab chủ động dàn xếp cho xong vụ việc, thì không chỉ tạo được thiện cảm đối với cơ quan chức năng mà đối với cả dư luận nói chung khi thời gian qua Grab đã bị mang tiếng “sáp nhập để độc quyền”.