Lạm phát 2018 dự báo ở mức 3,5% - 3,8% so với cùng kỳ
Trong báo cáo tình hình kinh tế mới đây, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia đánh giá lạm phát quý I/2018 về cơ bản được kiểm soát chặt chẽ. Riêng tháng 3/2018, CPI giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 2,66% so với cùng kỳ, và tăng 0,97% so với đầu năm. CPI bình quân ba tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,82%. Lạm phát cơ bản duy trì ổn định, tăng 1,38% so với cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu đề ra trong năm là 1,6% - 1,8%.
CPI tháng 3 giảm so với tháng trước đúng theo quy luật tiêu dùng sau Tết của những năm gần đây. Theo UBGSTCQG, nguyên nhân khiến CPI tăng tương tự xu hướng của quý 1/2017 gồm việc tăng giá dịch vụ y tế (tăng 29,13% so với cùng kỳ đóng góp CPI tổng thể tăng 1,13 điểm %); nhóm giao thông (tăng 2,97% so với cùng kỳ đóng góp CPI tổng thể tăng 0,28 điểm %); giá nhà ở, vật liệu xây dựng (tăng 2,96% so với cùng kỳ, đóng góp CPI tổng thể tăng khoảng 0,47 điểm %).
UBGSTCQG dự báo, nếu không có yếu tố đột biến và việc giá điện không tăng, lạm phát năm 2018 sẽ tăng ở mức 3,5% - 3,8% so với cùng kỳ. Trong khi mục tiêu đề ra trong năm là 4%.
Theo Ủy ban, giá điện dự báo tăng 6,08% từ cuối năm 2017 góp phần làm CPI năm 2018 tăng khoảng 0,1 điểm %.
Giá thực phẩm đã tăng 1,2% so với đầu năm, đóng góp làm CPI tăng 0,27 điểm%. Nếu giá thực phẩm tăng tương đương với mức tăng của năm 2015 (1,5%) và 2016 (3,5%) sẽ làm lạm phát tăng 0,4 - 0,7 điểm %.
Yếu tố giá hàng hóa phi năng lượng sẽ không gây nhiều áp lực lên lạm phát do tốc độ tăng giá hàng hóa thế giới năm 2018 được dự báo sẽ thấp hơn năm 2017. Tuy nhiên, với mặt hàng dầu thô, nếu giá tăng khoảng 15% - 17% lên mức 60-62 USD/thùng sẽ góp phần làm cho giá giao thông tăng khoảng 5% - 7% so với năm trước, đóng góp làm CPI tổng thể tăng khoảng 0,5 - 0,7 điểm %. Theo tính toán của cơ quan này, dư địa lạm phát còn lại để điều chỉnh giá dịch vụ công trong năm 2018 là 1 – 1,2 điểm %.
"Nếu năm 2018, giá điện không tăng, giá dịch vụ y tế và giá giáo dục chỉ tăng 40% - 60% so với mức tăng của hai nhóm ngành này trong năm 2017 thì lạm phát sẽ ở mức 3,5% - 3,8% (so cùng kỳ)", báo cáo của Ủy ban cho hay.
Thanh khoản ổn định nhờ NHNN mua ngoại tệ và giải ngân vốn TPCP chậm
Cuối quý I/2018, lãi suất qua đêm bình quân ở mức 0,83% (giảm 0,47 điểm % so với cuối năm 2017), lãi suất 1 tuần ở mức 0,98%, lãi suất 1 tháng ở mức 1,73% (giảm 0,9% và 1,2% so với cuối năm 2017). Giải thích về diễn biến này, UBGSTCQG cho rằng sở dĩ thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định một phần do NHNN tăng mua ngoại tệ và giải ngân vốn TPCP chậm.
Trong khi đó, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động (LDR) cuối quý I/2018 đã tăng lên 88,2%, từ mức 87,8% cuối năm 2017.
Lãi suất huy động vốn từ dân cư và doanh nghiệp cũng tương đối ổn định. Lãi suất huy động VND kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức 6,5% - 7,5%; lãi suất bình quân huy động kỳ hạn 12 tháng là 6,81%, tăng 0,02% so với cuối năm 2017.
Tỷ giá đến cuối quý I tăng 0,25%, ổn định nhờ cung ngoại tệ dồi dào
Cán cân thanh toán quốc tế năm 2017 thặng dư cao nhất trong 5 năm gần đây, chủ yếu nhờ cán cân vốn tăng đột biến tới 85%. Nguyên nhân đến từ vốn đầu từ gián tiếp nước ngoài tăng mạnh. Quý 1/2018, UBGSTCQG dự báo cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư ở mức cao nhờ cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu. Tuy nhiên cả năm 2018, cán cân thương mại có thể bị tác động bất lợi do lo ngại về xung đột thương mại Mỹ Trung và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Theo đánh giá của cơ quan này, tỷ giá USD/VND vẫn đang ổn định và tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Từ đầu năm đến 29/03/2018, tỷ giá NHTM tăng khoảng 0,25%, tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 0,4% so với đầu năm 2018. Tỷ giá trung tâm cuối tháng 3 ở mức 22.463 VND/USD, tăng 0,21% so với cuối năm 2017.