Theo một chuyên gia của Ngân hàng Thụy Sĩ UBS, ngoài lợi nhuận tài chính, giới siêu giàu muốn tiền của họ mang lại những thay đổi tích cực trên thế giới, nhưng các nhà quản lý danh mục khó có thể đưa ra những lựa chọn để đạt được cùng lúc cả hai mục tiêu này.
UBS, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đang đề cập đến một nguyên tắc kiếm tiền được gọi là “đầu tư bền vững”. Đó là một thuật ngữ dùng để chỉ việc đầu tư vào các công cụ tài chính tạo ra lợi nhuận từ điều gì đó tốt đẹp - hoặc đơn giản chỉ là ủng hộ một cái gì đó không xấu.
Simon Smiles, Trưởng bộ phận đầu tư (CIO) dành cho những người siêu giàu tại UBS Wealth Management.cho biết, nhiều sản phẩm đầu tư được quảng cáo là có trách nhiệm với xã hội hoặc bền vững, nhưng chúng chỉ đơn giản là tạo các công ty hoặc doanh nghiệp có rủi ro lớn về tài chính hay bị coi là vô đạo đức - một phương pháp mà không phải tất cả nhà đầu tư đều ủng hộ.
Smiles nói với CNBC vào tháng 3: "Có thể bạn không muốn đầu tư vào thuốc lá, vũ khí và rượu, và vì thế bạn không làm điều đó. Nhưng không phải ai cũng đánh giá cao chuẩn mực đó".
Ông giải thích: "Một số người thích uống rượu, một số người thích hút thuốc lá, một số người thích súng, vì vậy nếu bạn nói với các nhà đầu tư họ không nên làm vì điều đó là sai thì cũng giống như bạn nói với nhà đầu tư rằng bạn không tương thích với giá trị của họ. (Nhưng) đó mới chính là điều mà các sản phẩm đầu tư bền vững hướng tới”.
Smiles cho biết rằng thay vì tránh các công ty "xấu" và chỉ đầu tư vào các công ty có xếp hạng tín dụng tốt, các cá nhân giàu có muốn danh mục đầu tư của mình phản ánh những gì họ tin tưởng.
Ông nói thêm điều đó có nghĩa là các nhà quản lý quỹ phải xây dựng một danh mục thể hiện một cách tốt nhất quan điểm của nhà đầu tư. Ví dụ, các nhà đầu tư muốn đóng góp việc thúc đẩy sự phát triển toàn cầu có thể lựa chọn trái phiếu do các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á phát hành. Những ai quan tâm đến việc gìn giữ môi trường có thể đầu tư vào các công cụ nợ sử dụng tiền thu được để tài trợ các hoạt động có lợi cho môi trường.
Vị CIO này nói rằng: "Một tỷ lệ lớn các cơ hội trong ngành công nghiệp tập trung vào các cổ phiếu cụ thể, các quỹ cụ thể, các quỹ ETF cụ thể, điều khó tìm thấy trong cả một danh mục đầu tư". Ông giải thích rằng khách hàng không quan tâm đến các chiến lược mà loại bỏ các sản phẩm (đầu tư bền vững) khỏi một danh mục đầu tư hoặc trích một phần vốn ra cho một khoản đầu tư riêng lẻ nào đó.
Ông nói thêm: "Thay vào đó, những cuộc đối thoại với nhà đầu thường là về: Làm thế nào để nâng tính bền vững một cách nhất quán cho toàn bộ danh mục đầu tư?"
Những người giàu có vẫn đang nắm giữ rất nhiều tiền mặt
Simle nói rằng sự lệch pha giữa những gì sẵn có trên thị trường và những gì mà người siêu giàu muốn là một trong những lý do tại sao đầu tư bền vững chỉ chiếm một tỷ lệ"nhỏ" trong danh mục đầu tư của họ.
Đó là một thực tế bất chấp đầu tư bền vững về tổng thể vẫn cho thấy sự tăng trưởng. Báo cáo vào năm ngoái của Global Sustainable Investment Alliance cho thấy đầu tư bền vững trên toàn cầu trong giai đoạn 2014-2016 lên 22,89 nghìn tỷ USD, mức tăng 25%. Con số này chiếm khoảng 26,3% giá trị tổng tài sản được quản lý.
Vị CIO cũng đồng thời ghi nhận rằng người siêu giàu vẫn đang phải nắm giữ lượng tiền mặt rất lớn - tình huống không thay đổi nhiều kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Một cuộc khảo sát UBS năm ngoái cho thấy các nhà đầu tư siêu giàu - những người có mức tài sản có thể đầu tư là ít nhất 30 triệu USD – nắm giữ một lương tiền mặt lên 35% danh mục đầu tư của họ.
Ông nói thêm rằng UBS đã tư vấn cho khách hàng đầu tư một phần tiền mặt đó, đặc biệt khi môi trường vẫn thuận lợi cho "tài sản rủi ro" như chứng khoán.
Smiles nói rằng: "Nhưng về trung bình, các khách hàng nắm giữ nhiều tiền mặt hơn những gì chúng tôi khuyến nghị xét trên quan điểm đầu tư. Ký ức (về khủng hoảng tài chính toàn cầu) vẫn còn đủ lớn khiến giới đầu tư chú trọng nắm giữ một lượng lớn tiền mặt”.