Bộ phận đầu tư của ngân hàng Thụy Sỹ UBS vừa ra báo cáo chiến lược đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam với chủ đề “Bước tiến xa hơn của thị trường tài chính Việt Nam”.
Báo cáo UBS nhận định, thị trường vốn Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển (Vietnamese capital markets are still at a very early stage of development). Trong 5 năm tới, thị trường tài chính Việt Nam sẽ tăng trưởng đáng kể. Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất trong khu vực (ngoại trừ Trung Quốc) phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng khi dư nợ tại khu vực này vượt tổng giá trị trái phiếu niêm yết và cổ phiếu lưu hành.
Để Việt Nam bắt kịp mức trung bình tại Đông Á vào năm 2023, UBS ước tính tổng giá trị trái phiếu lưu hành cần tăng lên 200 tỷ USD(gấp 4 lần) và thị trường cổ phiếu sẽ đạt khoảng 173 tỷ USD (tăng 100%) vào năm 2023.
Ngân hàng này cũng đưa ra dự báo Vn-Index sẽ tăng lên 1.070 điểm vào tháng 12/2018 và 1.360 điểm vào tháng 12/2019, tương đương mức tăng 36%, dựa trên tăng trưởng EPS và lợi suất trái phiếu.
Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu/GDP của các nước trong khu vực (nguồn: Thomson Reuters, UBS)
Tác động tích cực từ chính sách của Chính phủ
Theo UBS, các diễn biến cần theo dõi tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới gồm:
Tháng 10/2018 – Dự thảo Luật Chứng khoán – Giai đoạn phát triển tiếp theo của thị trường vốn
Ủy ban Chứng khoán đang soạn dự thảo Luật Chứng khoán mới để trình Quốc hội trong tháng 10. Luật dự kiến giải quyết những vấn đề như minh bạch thông tin, hành vi thị trường, cơ quan quản lý và giám sát, quy trình niêm yết và sự tham gia của khối ngoại vào thị trường vốn trong nước.
Sở hữu khối ngoại – Cho phép khối ngoại tham gia nhiều hơn
Đây sẽ là cải cách đáng kể từ khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP về xóa bỏ hạn chế với sở hữu nước ngoài (FOL) tại các công ty không nằm trong trong lĩnh vực nhà nước cần kiểm soát.
Cho đến nay, chỉ có số ít công ty nới lỏng FOL. Thứ nhất, nhiều công ty nằm trong lĩnh vực bị hạn chế, như ngân hàng. Thứ hai, số khác lo ngại về những hệ quả thực tiễn nếu nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 51% cổ phần và được phân loại là công ty nước ngoài. UBS kỳ vọng chính phủ Việt Nam sẽ nâng trần tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng và có biện pháp để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Quản lý vốn nhà nước – Tăng tốc quá trình cổ phần hóa
Mục tiêu của chính phủ Việt Nam là thoái vốn một phần hoặc toàn bộ trong hơn 400 doanh nghiệp vào năm 2020. Trong nhiều trường hợp, việc này sẽ được triển khai thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán.
Trong tháng 6, Bộ Tài chính đã thúc giục các doanh nghiệp nhà nước (SOE) đẩy nhanh kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn. Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch cho 181 doanh nghiệp nhà nước thoái vốn trong năm nay nhưng hiện chỉ có một số ít công ty hoàn tất chuẩn bị.
Trong quý I năm 2018, chỉnh phủ thông báo trách nhiệm quản lý vốn trong 20 SOE lớn nhất sẽ chuyển cho một ủy ban mới được thành lập vào cuối năm nay.
Các đợt IPO – Yếu tố then chốt cho sự phát triển của thị trường vốn trong nước.
Sàn đăng ký giao dịch cổ phiếu (UPCoM) được thiết lập để khuyến khích các công ty tham gia thị trường chứng khoán. Hầu hết các công ty giao dịch tại UPCoM từng là SOE dù đây không phải điều kiện bắt buộc.
UPCoM hiện có hơn 700 công ty, bao gồm Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV). UBS dự báo có thêm công ty chuyển niêm yết từ UPCoM lên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, nhằm tăng cường thanh khoản và cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Phân loại MSCI – Khả năng Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi của MSCI với thị trường mới nổi
Việt Nam hiện được xếp loại là thị trường biên (FM) theo kết quả của các chỉ số MSCI, không phải thị trường mới nổi (EM). Sự xếp loại này quan trọng bởi các chỉ số có tính khác biệt, đánh giá nhiều khía cạnh.
UBS tin rằng Việt Nam đã đáp ứng tiêu chí quy mô và tính thanh khoản để được nâng hạng. Chướng ngại chủ yếu hiện nay là tiêu chí tiếp cận thị trường. UBS hy vọng Luật Chứng khoán mới sẽ giải quyết một số lo ngại của MSCI, cho phép Việt Nam có tên trong danh sách các thị trường mới nổi đáng theo dõi.
Các thị trường được nâng lên EM trước đó đã hưởng lợi từ dòng vốn nước ngoài đáng kể chảy vào và được định giá cao hơn.
Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế
Kinh tế Việt Nam đang bùng nổ. Tăng trưởng trung bình 7,1% trong nửa đầu năm 2018. Thặng dư tài khoản vãng lai đạt hơn 8% GDP quý I/2018. Lạm phát vẫn an toàn, gần mức mục tiêu 4%. Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đạt đỉnh trong năm 2017 nhưng triển vọng trong năm 2018 có thể vượt qua mức đó.
UBS đánh giá triển vọng tích cực về kinh tế Việt Nam kể từ khi bắt đầu theo dõi thị trường hồi tháng 1. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã giảm 20% kể từ tháng 4 và Việt Nam đồng mất giá 2,5% so với USD.
Triển vọng ngắn hạn trong năm nay và năm 2019 là cân bằng rủi ro giữa tăng và giảm. Kinh tế Việt Nam có thể phát triển vượt mức, nhờ dòng vốn FDI ổn định và sự xuất hiện của hai thỏa thuận thương mại với (với EU và CPTPP). Tuy nhiên, chiều ngược lại vẫn có nguy cơ xảy ra khi chu kỳ tín dụng chậm lại và căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tăng.
FDI dài hạn và các thỏa thuận thương mại sẽ thúc đẩy tăng năng suất nhưng UBS không chắc chỉ riêng FDI có đủ sức hỗ trợ tăng trưởng dài hạn cho Việt Nam hay không.
UBS cho rằng nếu lĩnh vực tài chính phát triển, thương mại và đầu tư cũng sẽ tăng trưởng.
Kinh tế Việt Nam đối mặt nhiều thách thức như phụ thuộc quá mức vào tín dụng ngân hàng, nợ công tương đối cao và thâm hụt ngân sách liên tục, lo ngại kéo dài về mức vốn và lợi nhuận của ngân hàng, quy mô lĩnh vực nhà nước với năng suất trì trệ.
Tăng trưởng tài chính sẽ cho phép phân bổ và định giá tín dụng tốt hơn. Theo UBS, một trong những rủi ro lớn nhất là sự trì hoãn thực hiện cải cách.
Thị trường trái phiếu Việt Nam cần tăng gấp 4 lần trong 5 năm tới
Trả lời câu hỏi về việc cải thiện tài chính có mang lại cơ hội đáng kể hay không, UBS cho biết 6/8 công ty niêm yết lớn nhất đều từng là SOE. Chính phủ có kế hoạch thoái vốn một phần hoặc toàn bộ tại 400 SOE vào năm 2020. Thị trường trái phiếu Việt Nam hiện có quy mô nhỏ nhất ở Đông Á. Để đạt được chiều sâu tương tự như các bên khác, thị trường trái phiếu Việt Nam cần tăng gấp 4 lần trong 5 năm tới.
UBS cho rằng chứng khoán Việt Nam sẽ “có giá trị hơn” nhưng thị trường có thể còn biến động cao liên quan đến chính sách của chính phủ, những hạn chế về thanh khoản, thông tin và dòng vốn nước ngoài tăng.
Theo đánh giá của UBS, PE dự phóng của thị trường Việt Nam hiện vẫn thấp hơn mức trung bình của Asean mặc dù triển trọng tăng trưởng cao. Thị trường đã tăng đáng kể trong khoảng thời gian từ tháng 4/2017 đến tháng 4/2018, kể từ đó thị trường đã điều chỉnh giảm 20% tính theo giá trị USD. Lý do là mức lợi suất trái phiếu chính phủ 5 năm đã tăng 2% kể từ tháng Ba. UBS cho rằng điều này đã được phản ánh vào giá, nhưng mức tăng lãi suất phần nào sẽ ảnh hưởng đến đà tăng giá cổ phiếu.
Việt Nam có thể trụ được khi tăng trưởng tín dụng chững lại?
Tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam mạnh mẽ nhưng đang chậm lai, nguyên nhân có thể là chính sách thận trọng hơn. Nhà chức trách đã hạ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dù những yếu tố thái quá như áp lực lạm phát, thâm hụt tài khoản vãng lai, chưa xuất hiện.
Do chưa có dấu hiệu về các yếu tố thái quá và tăng trưởng còn được thúc đẩy bởi nhiều động lực khác, UBS không quá lo ngại về khả năng tăng trưởng tín dụng giảm tác động mạnh đến tăng trưởng GDP.
Cho đến nay, kinh tế Việt Nam vẫn đang phát triển vượt mức. Tăng trưởng công nghiệp mạnh mẽ trong nửa đầu 2018, nhờ dòng vốn FDI, đã nâng tăng trưởng GDP lên 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nợ có phải một vấn đề?
Theo UBS, nợ hiện chưa phải một vấn đề với Việt Nam. Mức nợ, trong cả lĩnh vực công và tư nhân, tương đối cao so với mức độ phát triển của Việt Nam nhưng không phải là bất hợp lý.
Mức nợ như vậy hiện khó có thể tác động đến tăng trưởng và dường như sẽ làm chậm tăng trưởng tín dụng trước. Nếu phần đóng góp của tín dụng cho GDP tăng nhanh bất chấp nỗ lực của nhà chức trách, và xuất hiện dấu hiệu cho thấy lượng tín dụng này bị phân bổ sai, Việt Nam sẽ có nguy cơ rơi vào chu kỳ giảm tốc nhanh hơn.
Tỷ giá ngoại tệ
Đồng nội tệ suy yếu có thể là dấu hiệu cũng như nguyên nhân gây ra rắc rối kinh tế. Việt Nam đồng mất giá thường xảy ra sau khi nhân dân tệ Trung Quốc chạm đáy mới.
UBS tin nhân dân tệ nhìn chung sẽ ổn định tới cuối năm 2018, giảm xuống 6,9 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Theo UBS