Nhắc đến thị trường lương thực nói chung và lúa mì nói riêng, Ukraine nổi lên là một trong những nhà cung cấp lớn của thế giới. Trước khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, quốc gia này là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 5 của thế giới, chiếm 10% tổng nguồn cung của toàn cầu.
Ngoài ra, Ukraine là một trong ba nhà xuất khẩu lúa mạch, bắp, dầu hạt cải hàng đầu thế giới ; là nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất (chiếm 46% lượng xuất khẩu trên toàn cầu).
Đáng chú ý, ‘ông trùm’ nông sản này đang tăng cường xuất khẩu lúa mì sang Việt Nam với mức tăng trưởng chưa từng có. Cụ thể, Ukraine đã xuất sang Việt Nam 612.846 tấn lúa mì trong 7 tháng đầu năm, tương đương trị giá 159 triệu USD, tăng mạnh 2.412% về lượng và tăng 1.862% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đồng thời vươn lên trở thành nhà cung cấp lúa mì lớn thứ 3 của Việt Nam.
Dù tăng mạnh về sản lượng lẫn kim ngạch, tuy nhiên giá lúa mì nhập khẩu từ thị trường này lại chứng kiến mức giảm sâu với 260 USD/tấn, tương ứng mức giảm 22% so với năm trước.
Về tình hình nhập khẩu chung của nước ta, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , trong tháng 7/2024 cả nước nhập khẩu hơn 316 nghìn tấn lúa mì , tương đương hơn 92 triệu USD, tăng 9,9% về lượng, tăng 13,4% kim ngạch so với tháng 6/2024. Lũy kế trong 7 tháng đầu năm nước ta nhập hơn 3,44 triệu tấn lúa mì , kim ngạch đạt hơn 954 USD/tấn, , tăng 24,8% về khối lượng, nhưng giảm 2,8% về kim ngạch so với 7 tháng đầu năm 2023.
Giá nhập khẩu bình quân đạt 277 USD/tán, giảm 22%.
Xét về thị trường, Brazil là nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam với sản lượng đạt hơn 3,17 triệu tấn, tương đương 293,15 triệu USD, tăng mạnh 348,9% về lượng, tăng 205,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ 2 là thị trường Úc với hơn 737 nghìn tấn, tương đương trên 227,46 triệu USD, giảm 65,3% về lượng và giảm 69,1% kim ngạch so với 7 tháng đầu năm 2023.
Tại thị trường Việt Nam, nước ta gần như không trồng được lúa mì , bởi vậy mỗi năm nước ta chi hàng tỷ USD để nhập khẩu . Trong năm 2023, nước ta chi hơn 97 triệu USD nhập khẩu lúa mì từ Canada với 252.803 tấn, tăng mạnh 1.372% về lượng và tăng 1.142% về trị giá so với năm 2022.
Trên thế giới, hiện tại Nga đang thống trị thị trường lúa mì thế giới khi sản xuất từ 75 triệu đến 85 triệu tấn lúa mì một năm, tương đương với từ 10 đến 12 % sản lượng toàn cầu và 50% trong số đó là để xuất khẩu. Chỉ một mình nước Nga cung cấp hơn 1/5 lúa mì nuôi sống nhân loại và thu về hàng năm từ 10 đến 12 tỷ USD nhờ lúa mì .
Theo báo cáo đầu tháng 4 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng lúa mì toàn cầu niên vụ 2023-2024 thiếu hụt khoảng 12,6 triệu tấn so với nhu cầu tiêu thụ . Và đây cũng là mùa vụ thứ 4 liên tiếp chứng kiến cán cân cung-cầu thâm hụt trên thị trường lúa mì .
Với việc cả lúa gạo và lúa mì đều có tăng trưởng sản lượng không theo kịp nhu cầu tiêu thụ , an ninh lương thực của thế giới vẫn đang bị đe dọa bởi tổng sản lượng lúa gạo và lúa mì chiếm 57% trong tổng sản lượng ngũ cốc toàn cầu.
Diện tích gieo trồng thấp hơn hoặc yếu tố thời tiết bất lợi ở một số quốc gia và rủi ro địa chính trị đã góp phần đáng kể vào xu hướng tăng của giá lúa mì trong 2 tháng vừa qua.
Theo tính toán, với quy mô dân số thế giới hiện tại thì nhu cầu tiêu thụ lúa mì dự kiến lớn hơn 800 triệu tấn. Có thể thấy trước nguy cơ cán cân cung-cầu lúa mì thâm hụt 5 năm liên tiếp. Bên cạnh đó, Hội đồng ngũ cốc thế giới IGC cũng điều chỉnh giảm 3,6 triệu tấn tồn kho cuối mùa vụ 2023-2024 so với số liệu hồi tháng 3.