Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 9 đạt hơn 818 nghìn tấn với trị giá hơn 510 triệu USD, giảm nhẹ 3,8% về lượng và giảm 0,1% về trị giá so với tháng trước đó.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm nước ta xuất khẩu gần 7 tấn gạo , thu về hơn 4,3 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng mạnh 23% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu đạt bình quân 625 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Sau 3 quý đầu năm 2024, 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam lần lượt gọi tên Phillipines, Indonesia và Malaysia.
Cụ thể, đối với thị trường Phillipnes, nước ta đã xuất khẩu sang thị trường này hơn 3,2 triệu tấn gạo với trị giá đạt hơn 1,9 tỷ USD, tăng 32% về lượng và tăng 53% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt ngưỡng 613 USD/tấn, tăng 16%.
Đứng thứ 2 là thị trường Indonesia với kim ngạch đạt hơn 1,03 triệu tấn, trị giá hơn 624 triệu USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về trị giá so với năm trước. Giá cũng chứng kiến mức tăng 16%, đạt 604 USD/tấn.
Malaysia là nhà nhập khẩu gạo đứng thứ 3 của Việt Nam với hơn 626 triệu tấn, trị giá hơn 372 triệu USD và giá hơn 593 USD/tấn, tăng lần lượt 96% về lượng, tăng 131% về trị giá và tăng 17% về giá so với 9T/2023.
Tuy nhiên ngoài 3 thị trường chủ đạo này, một quốc gia đang tăng nhập khẩu gạo Việt Nam với mức tăng trưởng đến 4 chữ số, đứng đầu về mức tăng trưởng là thị trường Ukraine . Cụ thể nước ta xuất sang thị trường này 10.754 tấn gạo với trị giá hơn 6,8 triệu USD, tăng mạnh 1.580% về lượng và tăng 1.695% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 639 USD/tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Mặc dù là thị trường tăng trưởng mạnh nhất nhưng thị phần của Ukraine chiếm chưa đến 1% trong tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Ukraine là một quốc gia mạnh về xuất khẩu nông sản, đặc biệt là lúa mì. Từ đầu vụ đến nay (tính theo niên vụ 2023-2024 từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024), xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã tăng lên 2,56 triệu tấn - cao hơn so với mức 2 triệu tấn cùng kỳ năm trước, trích dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Ukraine .
Sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ chính thức có hiệu lực vào năm 2023, các quốc gia nhập khẩu buộc phải tìm nguồn cung thay thế và Việt Nam cùng với Thái Lan là hai trong số những nhà xuất khẩu gạo lớn đã được hưởng lợi từ sự thiếu hụt này.
Tuy nhiên vào cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã ký quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, điều kiện đi kèm là giá sàn xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn. Với việc Ấn Độ quay trở lại thị trường, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn
Dự báo về tình hình giá gạo Việt Nam trong thời gian tới, các chuyên gia nhận định dù có lúc trồi sụt nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ quanh mức 600 USD/tấn, cao hơn con số 575 USD/tấn của năm 2023.