Sâm Ngọc Linh thứ thiệt giá đắt, hàng trăm triệu đồng/kg, nên bị làm giả tràn lan, phổ biến nhất là lấy củ tam thất, điền trúc giống sâm để bán.
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 (thuộc Cục QLTT Kon Tum) vừa phối hợp Công an huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum mật phục, phát hiện một vụ vận chuyển các loại củ rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum từ các tỉnh phía Bắc vào để làm giả sâm trồng tại địa phương.
Đưa hàng giả về "thủ phủ" hàng thật
Sâm Ngọc Linh có chủ yếu ở miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắk Tô, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) và huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định bổ sung sâm Ngọc Linh vào danh mục sản phẩm quốc gia.
Trên thị trường, sâm Ngọc Linh có giá trị rất cao, hiếm. Do đó, nhiều thương lái đã lấy các loại cây như điền trúc, tam thất… có ngoại hình rất giống để làm giả sâm Ngọc Linh. Các loại cây này được đưa từ các tỉnh phía Bắc vào tỉnh Kon Tum, trà trộn hoặc giả làm sâm Ngọc Linh Kon Tum bán cho khách hàng.
Qua nắm tình hình, Đội QLTT số 2 đã phát hiện được sự việc trên nên tiến hành theo dõi. Rạng sáng 1-3, khi phát hiện 1 ôtô chở khách bỏ 3 thùng xốp tại khối 7, thị trấn Đắk Tô, có biểu hiện nghi ngờ nên lực lượng QLTT đã phối hợp với Công an huyện Đắk Tô mật phục, chờ người đến nhận rồi kiểm tra.
Sau khoảng 15 phút, 2 đối tượng đi xe máy tới chỗ để 3 thùng xốp lấy hàng. Tuy nhiên, khi thấy lực lượng chức năng tới, 2 đối tượng vội bỏ đi. Qua kiểm tra, 3 thùng xốp không có thông tin người nhận, người gửi. Bên trong có 2 kg củ và 12 kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Những củ rất giống sâm Ngọc Linh này được đưa từ các tỉnh phía Bắc vào Kon Tum, sau đó giả làm sâm Ngọc Linh Kon Tum bán cho khách hàng |
Theo ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội QLTT số 2, thương lái thường gửi các loại cây giống sâm Ngọc Linh theo xe khách từ các tỉnh phía Bắc vào. Khoảng 3-5 giờ sáng, khi tới khối 7, khối 8, thị trấn Đắk Tô thì thả hàng xuống ven Quốc lộ 14, sau đó có người tới chở đi. "Việc vận chuyển này không thường xuyên, trong tháng xuất hiện 1-2 lần, có thể là tùy vào lượng hàng giao dịch" - ông Phúc nói và cho biết sau khi nhận cây điền trúc, tam thất, thương lái sẽ giới thiệu là sâm Ngọc Linh Kon Tum rồi bán ngược lại cho khách hàng tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM…
Trước đó, ngày 8-2, Đội QLTT số 2 đã phát hiện 7 thùng với 112 chai rượu "lá sâm Ngọc Linh", tại khối phố 8, thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô. Tất cả số rượu trên được sản xuất tại Quảng Nam, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ và vi phạm bản quyền thương hiệu rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5.
Đủ "chiêu" lấy lòng tin
Sâm Ngọc Linh khan hiếm, có giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/kg (tùy loại). Việc "đội lốt" sâm Ngọc Linh bán giá cao, khách hàng sẽ không khỏi nghi ngờ. Để khách hàng yên tâm chi tiền, thương lái có rất nhiều "chiêu".
Theo ông Ngụy Đình Phúc, việc đưa các loại củ giống sâm Ngọc Linh về tỉnh Kon Tum là để giả nguồn gốc rồi bán đi nơi khác. Khách hàng chỉ thấy quảng cáo là sâm Ngọc Linh Kon Tum, gửi đi từ Kon Tum là tin.
Trong vai khách hàng, chúng tôi được ông V. (trú tỉnh Kon Tum) nhiệt tình chào bán sâm Ngọc Linh trồng với giá 10 triệu đồng/kg lá sâm tươi, sâm loại 25 củ/kg giá 120 triệu đồng/kg, sâm loại 20 củ/kg là 150 triệu đồng/kg và loại đắt nhất 5 củ/kg có giá tới 250 triệu đồng/kg. "Các chú không tin, tôi sẽ làm giấy kiểm nghiệm từng loại một, bảo đảm là sâm Ngọc Linh 100%. Tôi bán nhiều năm rồi, khách hàng cả nước chứ không riêng tại đây" - ông V. nói.
Khi chúng tôi đặt vấn đề mua sâm Ngọc Linh rừng thì ông V. nói không có sẵn, hàng này rất hiếm, phải chờ người đi rừng mang về bán mới có. Tuy vậy, ông này quảng cáo ngay một củ đang ngâm rượu và giới thiệu là sâm Ngọc Linh "hàng chuẩn rừng". Củ sâm này đã được ông V. gửi đi kiểm nghiệm tại Viện Sinh học nhiệt đới (TP HCM).
Hình ảnh trong giấy kiểm nghiệm và củ sâm "hàng chuẩn rừng" giống nhau. Kết quả kiểm nghiệm ghi rõ: Căn cứ vào kết quả kiểm định bằng phương pháp hóa học và sắc ký lớp mỏng cho thấy có sự hiện diện của các chuẩn M-R2, G-Rg1, G-Rb1 đặc trưng của sâm Ngọc Linh; hàm lượng saponin tổng số 4,23% (TLK).
Trước khi xuống tiền mua 2 củ sâm 0,4 kg sâm Ngọc Linh từ một thương lái ở TP Kon Tum với giá 10 triệu đồng, ông N.Đ.P (trú tỉnh Kon Tum) đã cẩn thận đưa các mẫu đến Viện Sinh học nhiệt đới (TP HCM) kiểm nghiệm. Kết quả hàng kiểm nghiệm có câu "đặc trưng của sâm Ngọc Linh; hàm lượng saponin 7,84%" nên ông N.Đ.P tin chắc mình mua được sâm Ngọc Linh thật mà rẻ.
Tuy nhiên, khi đem giấy kiểm nghiệm ra khoe với người bạn làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum thì người này cho biết hàm lượng saponin là thành phần chủ yếu trong sâm Ngọc Linh phải trên 52%, nếu chỉ 7,84% thì chắc chắn không phải sâm Ngọc Linh. Trong các loại củ như tam thất, hồng sâm… đều có hàm lượng saponin nhưng rất thấp.
"Mình ở xứ sở của sâm. Vậy mà còn bị lừa, vừa mất tiền mua vừa mất thêm 1,5 triệu đồng để đi kiểm nghiệm mà còn rước bực vào thân" - ông N.Đ.P ngao ngán.
Cần nghiêm trị Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô, cho biết sâm Ngọc Linh có giá trị rất cao, người tiêu dùng rất cần, sâm giả tràn lan sẽ khiến nhiều người mua nhầm, dẫn đến tiền mất tật mang và giá trị thương hiệu của loài sâm này bị ảnh hưởng. "Để chống sâm giả, bảo vệ người tiêu dùng, "quốc bảo" của đất nước không bị mất niềm tin, nhà nước nên có chế tài riêng về việc quản lý, xử phạt với hành vi giả sâm Ngọc Linh bán. Đối với doanh nghiệp, muốn đầu tư phải được cấp phép, chứng minh năng lực, nguồn gốc giống, nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm để truy xuất nguồn gốc" - ông Chung kiến nghị. Theo ông Chung, sâm Ngọc Linh thật đang vào mùa ngủ đông, rụng hết lá nhưng trên mạng rao bán la liệt, lá xanh nguyên nên có thể khẳng định 99% là sâm Ngọc Linh giả. Hiện tỉnh Kon Tum mới chỉ cấp phép cho 3 đơn vị có đủ điều kiện để trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô (trồng gần 20 ha), Công ty CP Vingin (tỉnh Kon Tum, trồng 200 ha) và Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum (600 ha). |
(Theo Người Lao Động)