Báo NNVN sau nhiều ngày đêm theo dõi tại huyện Trùng Khánh đã phần nào nắm bắt được phương thức xuất khẩu lợn của các đầu nậu.
Theo chân một lái xe tải chở lợn có tên Nguyễn Văn T. ở tỉnh Tuyên Quang, người chuyên chở loại hàng này từ vài năm nay cho biết cứ trung bình 3 ngày lại chở 1 chuyến lên biên giới. Chúng tôi biết được rằng lối mòn ở xã Đình Phong là một trong những địa điểm được lựa chọn đưa lợn qua biên giới.
Vào vai một dân buôn dưới xuôi lên biên giới tìm mối hàng, dừng nghỉ tại một quán ăn được dựng tạm giữa rừng núi cạnh tuyến đường tỉnh 211, thuộc địa phận xã Đỉnh Phong. Theo thông tin của những người ở đây, quán phục vụ ăn trưa, chiều và đêm, khách chủ yếu cho dân buôn hàng vượt biên. Thường các lái xe chở lợn vào ăn tối để chờ đến giờ vào biên, hoặc ăn đêm khi đã xuất hàng xong quay ra.
Vào khoảng hơn 22h ngày 12/11, nhóm PV quyết định bám theo một xe chở lợn đi vào khu vực mốc biên giới 804. Thấy có xe lạ đi vào, những người làm nhiệm vụ cảnh giới hay còn gọi chim lợn đã bám theo xe bằng 2 xe ô tô bán tải (1 màu cam, 1 màu đen và không rõ biển số). Lợi dụng khúc cua khuất tầm nhìn, 1 PV đã bí mật xuống xe, luồn theo đường rừng để theo dõi quá trình vận chuyển lợn qua biên giới.
Các xe chở lợn được giao tại bãi tập kết, cách hàng rào thép gai biên giới với Trung Quốc khoảng hơn 200m. Có ít nhất hơn 10 người làm nhiệm vụ tiếp nhận và đuổi lợn sống theo lối mòn qua. Phía bên kia biên giới Trung Quốc, cũng có sẵn một tốp khoảng vài chục người tiếp nhận. Ngoài ra, còn có hàng chục xe máy chở lợn đã thịt bằng xe máy lên giao theo tuyến đường này.
Đại diện Chi cục Hải quan của khẩu Pò Peo cho rằng những địa điểm xuất lợn qua tiểu ngạch như Đình Phong nằm ngoài phạm vi đơn vị quản lý, do vậy rất khó xử lý.
Mỗi ngày có khoảng hơn 50 xe lợn được chở lên các xã vùng biên của tỉnh Cao Bằng. |
Một lãnh đạo của Đồn Biên phòng Ngọc Côn cho biết, lực lượng của đơn vị quá mỏng, trong khi địa bàn của Đồn quản lý rất rộng gồm nhiều xã, mà mỗi xã có rất nhiều lối mở, nên không thể tỏa người đi kiểm tra, kiểm soát thường xuyên được. Các đối tượng buôn lậu luôn có người giám sát hoạt động của các cán bộ, nhất cử nhất động đều bị theo dõi nên rất khó để bắt quả tang các đối tượng xuất hàng qua biên giới.
Chứng kiến thực tế tại các tuyến QL3, Tỉnh lộ 211, xe chở lợn đang hàng ngày ùn ùn chở lên biên giới Cao Bằng, các đầu nậu thì dùng đủ biện pháp qua mặt các cơ quan chức năng để xuất lậu qua các đường mòn. Thời điểm diễn ra thường là khi trời bắt đầu tối tới hết đêm.
Trao đổi với Báo NNVN, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Nguyễn Thành Hải thừa nhận trên địa bàn có tình trạng xuất lợn trái phép sang Trung Quốc. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn, cho cán bộ đến nhắc nhở các hộ giết mổ lợn bán sang biên giới. Nhưng thời điểm hiện tại vẫn xảy ra tình trạng buôn bán lợn trái phép.
Theo Chủ tịch Hải, việc chỉ đạo của huyện chưa thật hiệu quả là vì các cơ quan chức năng như Biên phòng, Hải quan, Quản lý Thị trường… do ngành dọc chỉ đạo trực tiếp, huyện chỉ phối hợp nên nhiều khi không triệt để được.