Mới đây, UBND tỉnh Bình Định và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức hội thảo và ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 bên.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đã đại diện cho 2 bên ký kết bản ghi nhớ hợp tác với 4 nội dung chính: Kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải; kinh tế biển xanh; thích ứng biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học; hành động bom mìn và phát triển nông thôn bền vững.
Trong khuôn khổ hội thảo, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và UNDP Việt Nam cũng đã thảo luận về hợp tác về 4 dự án: Làng Hòa Bình Việt Nam - Hàn Quốc tại tỉnh Bình Định; Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn tại TP.Quy Nhơn do UNDP tài trợ; Hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương trong bối cảnh phục hồi xanh hậu COVID-19 tại Việt Nam do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ; Cộng đồng ven biển thông minh khí hậu do Chính phủ Canada tài trợ.
Cụ thể, Dự án làng Hòa Bình Việt Nam - Hàn Quốc tại tỉnh Bình Định được triển khai trên địa bàn 20 xã tại 6 huyện, thị xã của tỉnh Bình Định gồm: An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn, Tuy Phước, Vân Canh.
Dự án có mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của các cộng đồng địa phương vùng dự án đang sinh sống tại và xung quanh đất đai mới được rà phá bom mìn; tăng cường khả năng thích ứng của các cộng đồng địa phương vùng dự án đối với bom mìn, vật liệu nổ, thiên tai và các rủi ro khác.
Tổng mức đầu tư dự án tương đương 97,7 tỷ đồng, vốn ODA viện trợ không hoàn lại KOICA tương đương 88 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Thời gian dự kiến thực hiện dự án là 5 năm (2022 - 2026).
Hiện, dự án đang được lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương về nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ báo cáo UBND tỉnh Bình Định trong quý 3 năm nay.
Dự án Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn tại TP.Quy Nhơn do UNDP tài trợ có tổng vốn đầu tư tương đương 18 tỷ đồng, gồm vốn ODA viện trợ không hoàn lại 3,6 tỉ đồng và vốn đối ứng 14,4 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện từ năm 2022-2024.
Dự án hỗ trợ thực hiện các mô hình quản lý chất thải bền vững giúp cải thiện sinh kế cho đối tượng lao động về chất thải. Theo đó, các mô hình trình diễn được thực hiện ở TP.Quy Nhơn nhưng kết quả về chính sách, cơ chế quản lý… sẽ được phổ biến toàn tỉnh Bình Định.
Hiện, Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định đã có báo cáo thẩm định dự án, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Dự án Hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương trong bối cảnh phục hồi xanh hậu COVID-19 tại Việt Nam do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ được triển khai trên toàn tỉnh Bình Định, trong đó chủ yếu tại TP.Quy Nhơn.
Dự án có kinh phí thực hiện khoảng 13 triệu USD. Trong đó, 2 triệu USD do UNDP/GEF tài trợ, 11 triệu USD từ nguồn đối ứng. Thời gian dự kiến thực hiện 4 năm (từ năm 2023 - 2026).
Hiện, dự án đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện hồ sơ văn kiện phi dự án để chuẩn bị cho việc ký kết chính thức giữa UNDP và UBND tỉnh Bình Định.
Cuối cùng, Dự án Cộng đồng ven biển thông minh khí hậu do Chính phủ Canada tài trợ được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế như chuyển đổi nghề cho ngư dân quanh đầm Thị Nại, đảm bảo duy trì, bảo tồn đa dạng sinh thái trên vùng đầm và xây dựng nhà tránh, trú bão, lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng…
Hiện, dự án đang trong quá trình nghiên cứu để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định UBND tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho Văn phòng UNDP tại Việt Nam xem xét, đánh giá, thực hiện các trình tự, thủ tục triển khai các dự án ODA trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.
"UBND tỉnh sẽ chủ động xử lý kịp thời các phát sinh, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án", ông Long nói thêm.