Gây sốt vì... ảo diệu
Những ngày qua, nhiều người dùng di động khi buổi sáng vừa khởi động thiết bị di động của mình đã thấy ngay mẫu quảng cáo trên Chrome gửi đến về ứng dụng FaceApp được quảng cáo là “AI Face Editor” (ứng dụng chỉnh sửa gương mặt bằng trí tuệ nhân tạo – AI).
FaceApp ra đời từ năm 2017 nhưng không gây được tiếng vang. Nó chỉ tạo ra làn sóng tải về sử dụng từ hai chợ ứng dụng lớn nhất thế giới AppStore của Apple và Google Play của Google trong khoảng từ đầu tháng 7.2019 tới nay. Hiện FaceApp đã có mặt tại hơn 120 quốc gia, và xếp đầu bảng tải về từ hai kho ứng dụng trên.
Như đã nói, nó cho phép khi đưa hình ảnh gương mặt hiện tại của bất cứ ai vào ứng dụng, thì một kết quả dự đoán gương mặt người đó của tương lai sẽ hiện ra, với tính năng được chọn các biểu thị cảm xúc.
Hoặc nếu người dùng muốn tò mò biết giả sử mình là nữ hay nam, nghĩa là giới tính ngược lại, FaceApp cũng đáp ứng sự tò mò này vốn dĩ chưa có ứng dụng nào làm được.
Các sắc thái khuôn mặt khác nhau được FaceApp thay đổi.
Chuyên gia bảo mật Võ Đỗ Thắng lí giải: Sở dĩ cho đến hiện tại FaceApp mới làm thị trường “điên đảo” có thể do hai nguyên nhân. Thứ nhất khi mới ra đời nó còn đang thử nghiệm, chưa hoàn thiện các tính năng được hỗ trợ AI về nhận diện gương mặt. Thứ hai, chủ sở hữu chưa marketing đủ mạnh và đúng hướng nên chưa thu hút được nhiều người dùng.
Hơn 100 triệu lượt tải từ AppStore và Google Play đã cho thấy người dùng đang say sưa với FaceApp như thế nào bởi sự ảo diệu của nó về công nghệ nhận diện khuôn mặt và làm biến đổi khuôn mặt theo thời gian.
Nguy cơ bảo mật và an ninh
Anh Nguyễn Hữu Cường – quản trị viên của diễn đàn bảo mật Whitehat.vn – cho biết, qua tìm hiểu bước đầu cho thấy FaceApp có cơ chế, qui trình xử lí hình ảnh như sau: Khi vận hành ứng dụng này, nó sẽ thu thập hình ảnh gương mặt người dùng, sau đó đưa về một hệ thống máy chủ có sức chứa cực lớn trên đám mây để xử lí với sự hỗ trợ của AI rồi trả về cho người dùng kết quả (hình ảnh tương lai, hình ảnh thay đổi giới tính...).
Anh Cường cũng cho biết, lo ngại lớn nhất đối với FaceApp hiện nay là Cty phát hành ứng dụng (Wireless Lab của Nga) ngoài việc sử dụng dữ liệu hình ảnh của người dùng đã thu thập được có còn sử dụng cho những mục đích khác hay không? Chính điều đó có thể dẫn đến nguy cơ bảo mật về thông tin, hình ảnh của người dùng.
Chuyên gia Võ Đỗ Thắng bổ sung thêm, khi dữ liệu gương mặt về mỗi người càng lớn, qua phân tích của công nghệ trí thông minh nhân tạo thì sự nhận diện càng chi tiết hơn. Khi đó, dữ liệu khuôn mặt người dùng đã được lưu trữ từ trước giúp camera nhận ra ngay tức khắc thay vì phải mất thời gian quét rồi phân tích mất nhiều thời gian hơn.
Thay đổi màu tóc, và thay đổi sau trang điểm
“Hoạt động này có thể được ứng dụng trong marketing giúp cho bên bán hàng đánh giá đúng nhu cầu, sở thích của người dùng. Ở mức nguy cơ hơn về bảo mật và an ninh là nó sẽ được sử dụng cho mục đích xấu, như dùng mống mắt hay giả mạo gương mặt để xâm nhập các hệ thống an ninh, thiết bị”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, người dùng sẽ không biết nhà phát hành ứng dụng thu thập dữ liệu gương mặt vào những mục đích nào khác nữa có thể gây tiêu cực đến cuộc sống của họ.