Khi truy cập qua link có sẵn, kho ứng dụng của Google thông báo "không tìm thấy ứng dụng". Khi người dùng tìm kiếm bằng từ khóa "Pi Networking" cũng không tìm thấy. Trong khi đó, ứng dụng Pi Network vẫn có mặt trên kho ứng dụng App Store của iOS.
Trên trang chủ của Pi Network, nhóm phát triển dự án này cũng xác nhận việc ứng dụng Pi Network không xuất hiện trên Play Store.
Như đã thông tin, thời gian gần đây, nhiều người Việt quay trở lại "đào" Pi khi có các tin đồn rằng dự án này sắp chạy "mainnet", Pi sắp có giá trị quy đổi. Theo thống kê của Similarweb tháng 11 cho thấy, lượng truy cập vào website của Pi Network tăng 2,52% so với tháng trước. Mức tăng này chủ yếu đến từ người Việt. Cụ thể, tỷ lệ truy cập từ các địa chỉ IP trong nước tăng tới 58% trong tháng 11, đưa Việt Nam nhảy lên vị trí thứ 4 toàn cầu về lượng truy cập đến website này.
Trước đó, hồi đầu năm, Pi Network "gây sốt" tại Việt nam với lượng người tham gia rất lớn vì việc "đào Pi" không giống như các loại tiền ảo khác là cần đến dàn máy khủng. Việc "đào Pi" hết sức đơn giản, có thể thực hiện trên điện thoại thông minh, chỉ cần "điểm danh" hàng ngày để tăng Pi. Ngoài ra, người dùng có thể tăng tỷ lệ nhận Pi bằng cách mời thêm bạn bè tham gia vòng tròn bảo mật.
Thời điểm này, nhiều chuyên gia lĩnh vực blockchain cũng từng lên tiếng cảnh báo về tính minh bạch của Pi Network và nhiều điểm đáng ngờ của dự án này. Ngoài quy trình KYC, Pi Network còn yêu cầu thu thập một lượng dữ liệu lớn của người dùng như Sửa đổi hoặc xóa nội dung trong bộ lưu trữ USB, Xem ID thiết bị và thông tin cuộc gọi, Đọc danh bạ hay Nhận dữ liệu từ Internet...Điều này đặt ra câu hỏi về rủi ro lộ thông tin cá nhân khi người dùng bất chấp tham gia "đào Pi coin".
Đến tháng 5/2021, Pi Network tiếp tục gây tranh cãi khi trên diễn đàn dành cho hacker, một tin tặc đã đăng bán 17 GB dữ liệu cá nhân KYC (Know Your Customer) của người dùng Việt Nam và tiết lộ có được số thông tin này thông qua Pi Network.