NTNN đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Liễu (ảnh) - Vụ trưởng Vụ Phát triển KHCN địa phương, Bộ KHCN về chương trình này.
Ông đánh giá, nhận xét thế nào về hiệu quả của chương trình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua?
- Chương trình đã thực hiện được 3 giai đoạn (1998-2002, 2004-2010 và 2011-2015), có tổng số 856 dự án được triển khai thực hiện trên cả nước. Trong 15 năm triển khai, đã có trên 1.000 lượt các nhà khoa học tham gia; tập huấn cho hơn 11 triệu nông dân. Chương trình cũng đã giúp đào tạo trên 5.000 kỹ thuật viên cơ sở thông thạo công nghệ để phục vụ công tác nhân rộng kết quả dự án.
Nghiên cứu, nhân giống một số cây trồng bằng công nghệ mới tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: I.T
"Ngay từ năm 2016, chương trình đã có những dự án được ký kết và thực hiện. Đây là nỗ lực không nhỏ của Bộ KHCN và các bộ, ngành có liên quan”. TS Nguyễn Văn Liễu |
Đây là chương trình rất hiệu quả trong công tác hỗ trợ, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ những viện, trung tâm nghiên cứu, trường học vào sản xuất, góp phần tạo nên cầu nối giữa các nhà khoa học với người nông dân, phục vụ nông nghiệp, nông dân theo như tinh thần Chỉ thị 63- CT/TW ngày 28.2.2001 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn,
Sau 15 thực hiện, chương trình đã thực hiện tốt việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, gió, biogas, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn và miền núi, hải đảo. Các dự án đã chuyển giao kỹ thuật về nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo quản hoa, rau... ở quy mô hộ gia đình, quy mô công nghiệp.
Giai đoạn tới, chương trình có tên là “Phê duyệt chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng DTTS giai đoạn 2016 – 2025”. Tại sao có sự thay đổi này, ý nghĩa của nó thế nào, thưa ông?
- Tiếp nối những kết quả đạt được trong 3 giai đoạn trước, Bộ KHCN đã xây dựng chương trình giai đoạn 2015-2025 với tên gọi là “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phụ vụ phát triển kinh tế nông thôn và miền núi, vùng DTTS”.
Chương trình được thực hiện theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13.10.2015 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu: Xây dựng được ít nhất 2.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn miền núi, vùng DTTS (trong đó ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng DTTS). Chương trình cũng hướng tới mục tiêu là tăng tỷ lệ các mô hình liên kết ứng dụng KHCN theo chuỗi giá trị hàng hóa, các mô hình có quy mô sản xuất lớn, quy mô công nghiệp, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến; chuyển giao được ít nhất 3.000 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho ít nhất 1.500 cán bộ quản lý, 4.000 kỹ thuật viên cơ sở, 140.000 lượt nông dân…
Giai đoạn này có sự thay đổi là mở rộng đến vùng DTTS. Sở dĩ có sự thay đổi này là do chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước muốn quan tâm hơn đến đời sống, sự phát triển kinh tế - xã hội của bà con vùng DTTS. Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng đồng bằng và vùng núi, hải đảo nếu không quan tâm hơn nữa thì khoảng cách sẽ giãn ra. Tôi cho rằng đây là một chính sách rất kịp thời của Đảng và Nhà nước. Ý nghĩa của nó cũng là ý nghĩa hiện thực hóa chính sách dân tộc, phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Làm sao để đại gia đình các dân tộc Việt Nam cùng nhau phát triển.
Chương trình giai đoạn tới 2016 – 2025 có gì khác biệt so với các giai đoạn trước, thưa ông?
- Theo tôi, giai đoạn 2016 – 2025 có 3 sự khác biệt cơ bản là: Chủ trương về tăng cường tập trung, hỗ trợ cho những vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS. Vùng này sẽ được ưu tiên trong việc tăng cường các dự án. Có những ưu tiên tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước cao hơn dành cho những dự án thuộc vùng này. Cuối cùng là quan tâm nhiều hơn đến việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin tryền thông thúc góp phần đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ KHCN đã có những công tác chuẩn bị như thế nào để triển khai Chương trình giai đoạn 2016 – 2025 hiệu quả nhất?
- Chúng tôi căn cứ vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Việc đầu tiên là chúng tôi chủ động xây dựng các quy định về quản lý Chương trình và các quy định khác có liên quan làm sao để chặt chẽ, hiệu quả và vận hành tốt nhất. Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng thông tư quản lý tài chính cho chương trình. Hai văn bản này đã được hai Bộ phối hợp chặt chẽ, nỗ lực thực hiện sớm ban hành.
Xin cảm ơn ông!