Dịch Covid-19 làm sụt giảm năng suất doanh nghiệp
Một nghiên cứu về tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do Hiệp hội Kế toán và Công chứng Anh (ACCA) khảo sát mới đây cho thấy các doanh nghiệp toàn cầu đang bị ảnh hưởng lớn nhất là năng suất lao động. Mỹ bị ảnh hưởng gần 60%, Anh khoảng 54%, Trung Quốc khoảng 45%, Úc là 51%, Việt Nam là 52%, Singapore là 50%...
5 ảnh hưởng lớn nhất tới họat động doanh nghiệp bởi dịch Covid-19. Nguồn: ACCA.
Yếu tố bị tác động lớn thứ 2 là những vấn đề về dòng tiền, tỷ lệ bị ảnh hưởng lên tới trên 40% là Pakistan và Malaysia khoảng 46%, Việt Nam là 47%, đặc biệt Các nước Ả Rập lên tới gần 60%...
Tiêu chí thứ 3 mà các quốc gia bị ảnh hưởng là việc dừng/và hoặc giảm tiêu thụ do tác động của dịch Covid-19 tới khách hàng, như: Hong Kong là 47%, Việt Nam trên 50%, Pakistan là 40%, Canada là 37%, Các nước Ả Rập trên 40%...
Do đó, tình hình doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Theo khảo sát, gần ¾ lãnh đạo phụ trách tài chính tại doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận sẽ giảm (mức trung bình toàn cầu là 85%). 59% lãnh đạo phụ trách tài chính tại doanh nghiệp dự kiến doanh nghiệp sẽ lỗ trong năm tài chính này do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các biện pháp của các doanh nghiệp đưa ra là đặt vấn đề sức khoẻ và sự an toàn của con người được đặt lên hàng đầu. Chiến lược cắt giảm chi phí quản lý dòng tiền và đàm phán lại các nghĩa vụ nợ đang được xem xét tích cực.
Có đến 84% doanh nghiệp nâng cao sức khoẻ và an toàn lao động của nhân viên; 60% doanh nghiệp hỗ trợ nhân viên sắp xếp công việc linh hoạt; 65% gia tăng sức khoẻ và an toàn cho đối tác và khách hàng; 41% trì hoãn đầu tư đến khi dịch bệnh hết bùng phát; 23% điều chỉnh chế độ đãi ngộ…
Tác động dịch Covid-19 đối với chuỗi giá trị, đó là năng suất lao động của nhân viên, sức mua của khách hàng và dòng tiền là những yếu tố bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Doanh nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với toàn cầu. Trong đó, 41% được khảo sát bị ảnh hưởng bởi khách hàng giảm mua vì chuỗi cung ứng bị gián đoạn (mức trung bình toàn cầu là 25%); Tăng hàng tồn kho và/hoặc nguy cơ hàng bị lỗi tới 11% (toàn cầu 9%); Không thể đàm phán lại về nghĩa vụ nợ tài chính chiếm 10% (toàn cầu 4%)…
Bán tài sản không cần thiết để tăng thanh khoản?
Tại hội thảo trực tuyến “Tác động của Covid-19 và Giải pháp thay đổi cuộc chơi của doanh nghiệp Việt Nam” tổ chức vào ngày 28/4/2020, các doanh nghiệp đều đặt vấn đề đang vướng trong cơn đại dịch đó là hết tài sản đảm bảo để vay gói hỗ trợ. Đại diện một doanh nghiệp cho biết, công ty đã dùng hết tài sản đảm bảo để vay vốn rồi, nhưng công ty đang bị mất cân đối tài chính khi dùng nguồn ngắn hạn dùng cho đầu tư dài hạn dẫn đến thiếu dòng tiền hiện tại. Vậy các diễn giả có các giải pháp để giải quyết không?
Ông Dương Hải, Câu lạc bộ Giám đốc tài chính (VCFO), cho biết tình trạng này của doanh nghiệp đang rơi vào cảnh thiếu tiền, mà ở đây đòi hỏi tổng thể nhiều biện pháp nhỏ cộng lại.
Ông Dương Hải gợi ý, tiền chủ yếu đến từ người, không đến từ máy móc. Như vậy, nhóm người có thể mang lại tiền cho doanh nghiệp là nhóm các nhà cung cấp (doanh nghiệp có thể chiếm dụng hơn nữa tiền của nhà cung cấp).
Đối với nhóm khách hàng, doanh nghiệp có thể thương thảo để họ trả tiền trước (chẳng hạn ở Mỹ, chính phủ ứng tiền trước mua vé máy bay dành để đi trong vài năm tới).
Đối với nhóm ngân hàng, doanh nghiệp đề nghị được giãn nợ, chuyển nợ từ ngắn hạn thành nợ trung dài hạn.
Đối với nhóm cổ đông, chủ sở hữu: những doanh nghiệp thiếu tiền nhưng vẫn có lợi nhuận để chia, thay vì chia tiền thì chia cổ phiếu. Hoặc chủ sở hữu có thể “bơm” tiền mới vào (không nhất thiết là tăng vốn), mà là tiền cho doanh nghiệp vay. Đây là một trong những cách giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn tạm thời.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể bán bớt tài sản để lấy tiền cho hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, những tài sản ngắn hạn có thể bán được không liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi (dàn xe ô tô hạng sang dành cho cán bộ).
Với đại dịch đang xảy ra, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề dự báo, nhưng vấn đề phản ứng tốt khi sự việc xảy ra để giảm thiệt hại cũng rất quan trọng được nhiều doanh nghiệp đề cập.
Chia sẻ thông tin, ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc, Deloitte Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp từ bây giờ trở đi nên có cẩm nang cho những tình huống như thế này (nếu chưa có), đưa ra những cấp độ phán ứng với thảm hoạ trong nội bộ doanh nghiệp. Khi có cẩm nang này, nếu thảm hoạ xảy ra doanh nghiệp có thể phản ứng nhanh hơn, dễ chống chịu hơn. Ngoài ra, phải coi trọng công tác dự báo, có kế hoạch cho vài tình huống.
Đồng quan điểm, ông Dương Hải cho biết thêm đối với các lãnh đạo tài chính trong các doanh nghiệp nên giữ bảng cân đối kế toán mạnh (strong balance sheet) trong hầu hết các tình huống.
“Tôi đã từng làm tại một số ngân hàng ở Mỹ. Chẳng hạn, tại Citibank, ngân hàng này duy trì tỷ lệ vốn huy động từ bên ngoài cao (không phải vốn chủ sở hữu), nhưng Standard Chatered luôn duy trì bảng cân đối kế toán mạnh. Trong thời gian nền kinh tế phát triển tốt, những ngân hàng như Citibank có kết quả rất tốt vì đòn bẩy tài chính cao hơn, nhưng những ngân hàng như Stanrd sẽ trở thành ngôi sao trong khủng hoảng, vì nguồn vốn chủ sở hữu mạnh”, ông Dương Hải nói.
Một điều các doanh nghiệp rất quan tâm, liệu đây có phải thời điểm vàng để tái cấu trúc doanh nghiệp, làm gọn nhẹ bộ máy không?
Theo ông Trần Khánh Lâm, Tổng Thư Ký, Hội Kiểm Toán Viên Hành Nghề Việt Nam (VACPA), doanh nghiệp cần tái cấu trúc làm cho gọn nhẹ bộ máy theo ứng dụng công nghệ. Hiện trên thị trường có những phần mềm ứng dụng nào làm việc tốt, hiệu quả, hỗ trợ kiểm toán viên, nhân viên tốt hơn… có chi phí khá hợp lý. Làm việc từ xa thì văn phòng có thể thu gọn lại, tiết kiệm chi phí và linh động hơn.
Còn theo ông Dương Hải dù dịch Covid-19 đã mang tới những thiệt hại cho cộng đồng, nhưng vẫn phải nhìn nhận có một điểm tích cực là nó cũng đẩy nhanh số hoá, ảo hoá trong công việc, đây là thời điểm bắt buộc để doanh nghiệp gọn nhẹ bộ máy, để phản ứng tốt hơn với những cuộc khủng trong tương lai.