Đang phải đối đầu với ảnh hưởng đại dịch bùng phát và kéo dài nhưng các NH được dự đoán chống chịu tốt nhờ tăng tiềm lực dự phòng, xoay chuyển thêm các nguồn thu bền vững. Đặc biệt, các NH số hoá thành công được kỳ vọng đột phá.
Chống chọi và xoay chuyển
Nhóm các ngân hàng TMCP có sự đột phá gần đây, kết qủa 6 tháng đầu năm 2021 đều ghi nhận lợi nhuận tốt, có ngân hàng (NH) gần hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021.
Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), 6 tháng đầu năm đã đạt lợi nhuận trước thuế 3.007 tỷ đồng, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (TechcomBank) đạt 11.500 tỷ đồng, Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) đạt lợi nhuận 2.800 tỷ đồng, Ngân hàng Bưu điện – Liên Việt (LienVietPostBank) đạt hơn 2.000 tỷ đồng…
Tuy nhiên, sự thuận lợi của nửa cuối 2021 sẽ không còn nhiều khi ảnh hưởng của đợt dịch mới trên diện rộng vào kéo dài. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tín dụng khi khu vực sản xuất gặp khó khăn lớn mà chính các ngân hàng cũng phải chấp nhận chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.
Công ty chứng khoán SSI nhận định trong nửa cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ của các NH sẽ chậm hơn so với nửa đầu năm, do các yếu tố thuận lợi không có nhiều.
Tuy vậy, các phân tích cho thấy, trong hai năm qua các NH đã điều chỉnh chính sách tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn để phù hợp với bối cảnh chung của thị trường. Nhờ đó rủi ro tín dụng cũng giảm đi và mức nợ xấu phát sinh mới cũng được kiểm soát tốt hơn.
Một lãnh đạo cấp cao của TPBank chia sẻ rằng khả năng phòng ngừa rủi ro của nhiều NH hiện tại đã được cải thiện đáng kể nhờ triển khai Basel II. Vệc triển khai cả 3 trụ cột Basel II sớm đã giúp khả năng lựa chọn cho vay đối với những khách hàng tốt và phân bổ dòng tín dụng hiệu quả hơn. Dù nền kinh tế đang gặp khó khăn, NH phải thực hiện cơ cấu nợ và hỗ trợ lãi suất cho nhiều khách hàng, tín dụng vẫn tăng trưởng mạnh và tỷ lệ nợ xấu của TPBank ở mức rất thấp. Mới đây, TPBank đã được nâng hạn mức tín dụng thuộc hàng cao nhất hệ thống, từ 11,5% lên 17,4% cho năm 2021.
Bên cạnh tín dụng thì các NH đã đa dạng hoá để tìm kiếm lợi nhuận bền vững hơn. Phân tích về lợi nhuận của các NH 6 tháng đầu năm dựa trên các báo cáo con số kế toán, Tổng cục Thuế cho biết, bên cạnh tăng trưởng tín dụng, các NH gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ như: dịch vụ ngân hàng số, thanh toán, ngân quỹ, ủy thác, tư vấn..
Thu nhập ngoài lãi ở nhiều ngân hàng đều có mức tăng trưởng hai chữ số. Tại TPBank, thu nhập ngoài lãi tăng tới 117% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ lệ 33,2% trong tổng thu nhập, so với mức 29% cùng kỳ năm trước. Còn ở Techcombank thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 31,5%, đạt 2,8 nghìn tỷ đồng với sự đóng góp các loại hình phí chủ chốt.
Nhờ sự dự phòng và xoay chuyển này nên dự báo của giới chuyên môn vẫn lạc quan, nhiều NH sẽ duy trì được khả năng sinh lời tốt, đạt và vượt mục tiêu đề ra cho cả năm.
Trong báo cáo của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) gửi đến các nhà đầu tư gần đây cho thấy, ngân hàng là một trong những ngành chống chịu tốt nhất trước đại dịch Covid. Cho dù có gặp khó khăn vào nửa cuối năm 2021 thì vẫn sẽ duy trì được khả năng sinh lời. Công ty chứng khoán SSI, nhận định, ước tính, lợi nhuận tăng trưởng nửa cuối năm toàn ngành ngân hàng vào khoảng 13%.
Trong đó, một số ngân hàng được dự báo vượt kế hoạch đề ra. SSI dự báo TechcomBank có khả năng đạt lợi nhuận cả năm tới 22.300 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch là 19.800 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tuần trước còn nâng dự báo lợi nhuận TPBank trong năm 2021 thêm 3,2%, lên 6.000 tỷ đồng, từ mức 5.800 tỷ đồng như mục tiêu của ngân hàng. Triển vọng năm 2022 của ngân hàng này thậm chí còn được BVSC nâng lên cao hơn, từ 6.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế lên 7.500 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán CSI Securities cũng dự báo lợi nhuận TPBank năm 2021 của TPBank ở mức 6.136 tỷ đồng, tăng 39,8% so với năm.
Dịch bệnh test thế mạnh số
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, nói đến lợi nhuận ngân hàng tăng, phải tính đến yếu tố quan trọng đó là sự hình thành và phát triển của ngân hàng số. Vì ngân hàng số giúp các ngân hàng mở rộng thị phần và đồng thời giảm được chi phí huy động vốn đầu vào
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2021 giao dịch qua các kênh Internet, điện thoại di động và QR code đều đạt mức tăng trưởng trên 65% về số lượng, và trên 31% giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Điều đó cho thấy, lợi thế công nghệ, sự phổ biến của điện thoại thông minh cộng thêm “chất xúc tác” Covid-19 đã thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng.
Xu hướng online hóa đang chi phối dần cách người tiêu dùng di chuyển, mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Hành vi sử dụng các dịch vụ NH của tệp khách hàng này cũng không là ngoại lệ. Việc online hóa giúp cho các NH tiếp cận được với tệp khách hàng mới trở nên dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện mọi lúc, mọi nơi.
Những năm gần đây, TPBank đã ứng dụng được những công nghệ 4.0 vào các quy trình vận hành và giao tiếp với khách hàng, gồm công nghệ tự động hóa với hàng trăm robot ảo, công nghệ AI, Deep Learning, và phân tích dữ liệu lớn (Big Data). Qua giai đoạn dịch bệnh này, lợi thế về công nghệ đang phát huy tác dụng. Nửa đầu năm nay, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến đã tăng 87% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhờ triển khai thêm cả phương thức eKYC toàn diện trên app TPBank, số khách hàng mở tài khoản qua hình thức eKYC tăng 790% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều ngân hàng vừa qua đã đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp tăng số lượng tài khoản mới, tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp, qua đó tăng hiệu quả, tăng lợi nhuận. Hiện số lượng giao dịch trực tuyến tại TPBank đã chiếm tới 92% tổng số lượng giao dịch của toàn ngân hàng. Trong khi doanh thu và lợi nhuận đều tăng ở mức hai con số, lần lượt là 17,46% và 47,80%. Trong khi tốc độ tăng chi phí hoạt động của TPBank được kiểm soát ở mức 1 chữ số, chỉ tăng hơn 6%.
Techcombank cho biết, NH này đang xây dựng kế hoạch để đưa các ứng dụng và cơ sở hạ tầng lên cloud. Dự tính, cuối năm 2021, nền tảng cho một hồ sơ dữ liệu (data lake) mới sẽ bổ sung các chức năng mới nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Theo ông Hùng nửa cuối năm 2021, những ngân hàng đi đầu về chuyển đổi số sẽ có được lợi nhuận tốt, bất chấp tác động xấu từ đại dịch.
Trần Thủy