Đây là điều chưa từng có với ngành thép khi Việt Nam hầu như đã tự chủ được về mặt hàng này. Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp sản xuất nội địa đã đề xuất mở điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến việc chống bán phá giá với các mặt hàng thép cuộn cán nóng, song cũng còn nhiều ý kiến phản đối từ các đơn vị nhập khẩu. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này dưới góc nhìn phòng vệ thương mại, phóng viên TTXVN đã có trao đổi với TS. Hoàng Ngọc Thuận - Trường Đại học Ngoại thương.
Ông có đánh giá thế nào về việc thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới hiện nay, cũng như ở trong nước trước hàng nhập khẩu từ nước ngoài, thưa ông?
Thứ nhất, theo Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, có 3 biện pháp phòng vệ thương mại là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Có thể thấy rằng, chống bán phá giá là biện pháp phòng vệ thương mại được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay.
Kể từ khi WTO được thành lập năm 1995, cho tới hết tháng 6/2023, đã có 4.521 biện pháp chống bán phá giá được các thành viên WTO áp dụng (với tư cách là nước nhập khẩu); trong đó, Ấn Độ áp dụng nhiều nhất với 780 biện pháp, thứ hai là Hoa Kỳ 628, rồi tới Liên minh châu Âu với 363 biện pháp.
Ở chiều ngược lại, với tư cách là nước xuất khẩu, Trung Quốc là đối tượng bị áp thuế nhiều nhất với 1.183 vụ việc, rồi tới Hàn Quốc với 328 vụ việc, thứ ba là Đài Loan (Trung Quốc) với 231 vụ việc.
Các thành viên WTO cũng đã áp dụng 409 biện pháp chống trợ cấp, trong đó Hoa Kỳ dẫn đầu với 215 biện pháp (hơn 50%). Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là đối tượng bị áp thuế chống trợ cấp nhiều nhất với 150 vụ việc, sau đó Ấn Độ với 66 vụ.
Thứ hai, Việt Nam gia nhập WTO sau một số nước ASEAN và châu Á khoảng 10 năm. Chúng ta bắt đầu khởi xướng điều tra biện pháp phòng vệ thương mại lần đầu tiên đối với hàng hoá nhập khẩu vào năm 2009 (mặt hàng kính nổi). Tính đến hết năm 2023, Việt Nam đã khởi xướng gần 20 vụ việc điều tra chống bán phá giá trong tổng số gần 30 vụ việc phòng vệ thương mại. So với các quốc gia khác, mức độ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; trong đó, có biện pháp chống bán phá giá của Việt Nam là tương đối ít.
Áp thuế với thép cuộn cán nóng, các ý kiến từ hai phía doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu đang trái chiều. Vậy với góc độ chuyên gia, ông có đánh giá thế nào với trường hợp cụ thể này?
Các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có tác động khác nhau với các đối tượng khác nhau. Những đối tượng thường phản đối việc khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nước ngoài (tại nước xuất khẩu), các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước và các doanh nghiệp hạ nguồn/người tiêu dùng sản phẩm đó. Ngược lại, các nhà sản xuất nội địa (tại nước nhập khẩu) sẽ là những đối tượng ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp này.
Tôi cho rằng, cần tránh lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ các ngành sản xuất nội địa, nhưng nếu bằng chứng cho thấy, có hành vi bán phá giá của hàng nhập khẩu, Việt Nam hoàn toàn có thể khởi xướng điều tra để bảo vệ hợp pháp ngành sản xuất trong nước.
Theo ông, nếu việc áp thuế được tiến hành sẽ có ảnh hưởng như thế nào với nền công nghiệp thép , cũng như doanh nghiệp ngành này?
Ngành thép là ngành quan trọng vì đây là sản phẩm đầu vào cho nhiều ngành khác, đặc biệt liên quan tới công nghiệp quốc phòng. Nếu ngành sản xuất nội địa bị triệt tiêu và sản phẩm thép cuộn cán nóng HRC phải phụ thuộc nhập khẩu thì sẽ là điều nguy hiểm.
Việc có khởi xướng điều tra hay không và sau khi điều tra có áp thuế phòng vệ thương mại đối với thép HRC hay không sẽ phụ thuộc vào kết luận điều tra nếu có.
Trong 1 vụ việc điều tra chống bán phá giá cần 3 điều kiện bắt buộc để áp thuế chống bán phá giá. Đó là, phải có hành vi bán phá giá của hàng nhập khẩu; có thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước, hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá thép HRC và thiệt hại của ngành sản xuất nội địa.
Nhiều ý kiến doanh nghiệp lo ngại, nếu áp thuế, doanh nghiệp có thể phải nhập khẩu với giá cao, thậm chí thiếu nguồn cung. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào, thưa ông?
Trước tiên, việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ hợp pháp ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu có thể tạo ra những lợi thế nhất định cho ngành sản xuất trong nước.
Biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ nhằm mục đích bảo vệ doanh nghiệp sản xuất nội địa trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Nếu không có sự bảo vệ hợp lý và hợp pháp này, ngành sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và dẫn tới nguy cơ bị triệt tiêu.
Phòng vệ thương mại chỉ là biện pháp tạm thời trong một thời gian ngắn và có sự điều chỉnh thường xuyên. Vì vậy, sẽ không thể tạo ra lợi thế lâu dài cho ngành sản xuất trong nước.
Phòng vệ thương mại cũng chỉ được áp dụng ở mức độ hợp lý nhằm loại bỏ hành vi cạnh tranh “không lành mạnh” của hàng hóa nước ngoài (bán phá giá hoặc được trợ cấp), chứ không nhằm mục đích hạn chế tuyệt đối hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, vẫn tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng và hợp lý trên thị trường.
Trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhờ có biện pháp phòng vệ thương mại, để đạt được vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh trên thị trường và lạm dụng vị trí này để tăng giá bán hay có những chính sách bán hàng gây ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh thì hành vi đó sẽ được điều chỉnh và xử lý bởi pháp luật cạnh tranh của Việt Nam.
Cuối cùng cần xem Việt Nam còn nhập thép cuộn cán nóng từ những quốc gia nào ngoài các quốc gia đang bị đề xuất khởi xướng điều tra chống bán phá giá.
Căn cứ vào số liệu giai đoạn 2021-2023, Việt Nam nhập khẩu 7,5 triệu tấn thép HRC năm 2021, 8 triệu tấn năm 2022 và 9,6 triệu tấn năm 2023. Mỗi năm, lượng nhập khẩu từ các quốc gia khác (ngoài các quốc gia đang bị đề xuất) đều trên 3 triệu tấn tức là hơn 30% lượng nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là minh chứng cho thấy, các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp nội địa có nhu cầu sử dụng thép cuộn cán nóng vẫn có thể nhập từ các quốc gia khác.
Xin cảm ơn ông!