Chú tâm phát triển con người
Unilever Việt Nam vừa được vinh danh tại giải thưởng "Nơi làm việc Tốt nhất Châu Á" bởi Tạp chí HR Asia. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp nhận được giải thưởng cao quý này.
Với kết quả khảo sát từ 46.270 nhân viên đến từ 622 doanh nghiệp tại Việt Nam, giải thưởng là món quà ý nghĩa cho sự cố gắng không ngừng nghỉ của toàn thể nhân viên Unilever trong thời gian vừa qua. Không chỉ vậy, giải thưởng tiếp tục chứng tỏ vị thế dẫn đầu của Unilever trong việc thu hút, phát triển nhân tài, xây dựng môi trường làm việc linh hoạt, năng động, thân thiện, chuyên nghiệp mang tầm quốc tế.
Unilever tự hào vì đã giữ vững được những chỉ số về sự gắn kết của nhân viên trong cả thời gian khó khăn của đại dịch đến hôm nay.
"Chúng tôi đã cam kết sẽ phát triển thế hệ lãnh đạo trẻ Việt với tầm nhìn hướng đến phát triển bền vững, kiến tạo tương lai. Trải qua khoảng thời gian khó khăn vì đại dịch, chúng tôi đã nhận ra con người là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Vì vậy chúng tôi sẽ luôn tập trung tối đa vào phát triển con người với sự công bằng, linh hoạt, mạnh dạn trao quyền, luôn đón nhận những điều mới, con người mới. Tôi tin rằng, Unilever Việt Nam sẽ tiếp tục tiến xa và tiếp tục giữ vững vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành hàng tiêu dùng và phát triển nhân tài", Bà Trịnh Mai Phương, Phó Chủ tịch Nhân sự Unilever Việt Nam, nhấn mạnh.
Sự công nhận cho sứ mệnh phát triển bền vững
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng vừa được bình chọn và vinh danh tại giải thưởng "Doanh nghiệp Phát triển Bền vững" do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức. Chương trình hướng đến vinh danh các doanh nghiệp tiêu biểu trong thực thi chiến lược phát triển bền vững, cam kết tăng trưởng xanh và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Unilever Việt Nam được vinh danh Doanh nghiệp Phát triển Bền vững nhờ vào những cam kết và hành động mạnh mẽ.
Unilever Việt Nam đã có nhiều sáng kiến tiên phong về môi trường nhằm giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa và biến đổi khí hậu.
Unilever là đơn vị khởi xướng Hợp tác Công – Tư thúc đẩy Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý Rác thải Nhựa cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chương trình đã giúp xây dựng hệ thống phân loại rác tại nguồn và thu gom rác thải nhựa, nâng cao nhận thức của người dân, áp dụng công nghệ vào xử lý rác thải nhựa, đồng thời đối thoại chính sách. Unilever Việt Nam đã thiết lập 150 trạm phân loại và thu gom rác nhựa, thu gom hơn 12.000 tấn rác thải nhựa và đạt 17,3 triệu lượt tiếp cận trên truyền thông.
Các chương trình phân loại rác tại nguồn và thu gom rác thải nhựa từ Unilever giúp nâng cao nhận thức cộng đồng.
Doanh nghiệp cũng thúc đẩy bao bì bền vững cho các sản phẩm của mình thông qua việc sử dụng ít nhựa hơn bằng cách giảm nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái chế, và sử dụng nhựa tốt hơn nhờ vào việc gia tăng khả năng tái chế của bao bì nhựa. Hiện nay, Unilever Việt Nam đã giảm 55% nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì và 72% bao bì nhựa có khả năng tái chế.
Unilever Việt Nam cũng là đơn vị tiên phong trên hành trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giải quyết biến đổi khí hậu. Đến nay, Unilever Việt Nam đã đạt mức phát thải ròng bằng "0" trong hoạt động vận hành của doanh nghiệp, tiếp tục hướng đến mục tiêu net zero trong toàn chuỗi giá trị đến năm 2039.
Doanh nghiệp còn nỗ lực cải thiện sức khỏe và điều kiện sống cho người dân thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa.
Unilever Việt Nam đã và đang hợp tác chặt chẽ cùng Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo trong việc phổ biến kiến thức vệ sinh cá nhân và hỗ trợ sản phẩm đến hơn 22 triệu người dân toàn quốc qua chương trình "Vì một Việt Nam khỏe mạnh". Đặc biệt khi Covid-19 bùng phát, Unilever đã truyền thông phòng chống dịch bệnh đến người dân toàn quốc với 750 triệu lượt tiếp cận và hỗ trợ 2,5 triệu sản phẩm đến 2,6 triệu người.
Trạm rửa tay dã chiến từ Lifebuoy trong mùa dịch giúp nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, phòng bệnh cho người dân.
Các chương trình nâng cao quyền năng phụ nữ phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hay xây dựng nông thôn mới với mô hình "Làng Hoàn hảo" hợp tác cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã góp phần cải thiện sinh kế và điều kiện sống cho người dân. Cụ thể, 3,7 triệu phụ nữ được huấn luyện về phát triển kinh tế và cải thiện sức khỏe, 48.000 hộ gia đình được tiếp cận quỹ tài chính vi mô với hơn 350 tỷ đồng.