Ở Fast Retailing - công ty mẹ của Uniqlo, chỉ có đúng một điều mà robot không thể làm, khi công ty này thay thế 90% công nhân bằng robot tại một kho hàng hiện đại nhất hồi năm ngoái. Nhưng giờ đây, với sự giúp đỡ của một start-up Nhật Bản có tên Mujin, thì nhà bán lẻ lớn thứ 3 thế giới đã phá vỡ rào cản cuối cùng với quá trình tự động hoá hoàn toàn. Đây là một ưu tiên được đặt lên hàng đầu của Uniqlo, trong bối cảnh dân số già gây ra tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
2 công ty này đã phát minh ra một loại robot với 2 cánh tay, có thể nhặt lên và gấp gọn gàng những chiếc áo T-shirt vào trong hộp để vận chuyển cho khách hàng. Tưởng chừng công việc này khá dễ dàng, nhưng lại không hề đơn giản đối với những cánh tay robot vốn không có chuyển động nhuần nhuyễn như con người. Thêm vào đó, robot còn phải liên tiếp sắp xếp, phân loại quần áo theo mùa, theo màu sắc và đóng gói với nhiều kiểu khác nhau. Đây là công việc con người có thể thực hiện tốt hơn. Thực ra, ngay cả đối với những công ty có ứng dụng tự động hoá tích cực nhất, như Amazon, vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào những "nhân viên chọn đồ" là con người.
Issei Takino - đồng sáng lập và CEO của Mujin, cho hay: "Chúng tôi đã rút khỏi quá trình hợp tác với một công ty may mặc vì đây là một việc quá khó. Nhưng thế mạnh của Fast Retailing là khả năng cải tổ toàn bộ chuỗi cung ứng để tất cả đều phù hợp với tự động hoá. Nếu chúng tôi chấp nhận thử thách này, thì chúng tôi sẽ thực hiện cùng với Fast Retailing."
Được thành lập vào năm 2011, Mujin phát triển hệ thống chuyển động và tầm nhìn robot, giống như máy ảnh 3D. Sau khi bên vận hành là con người thiết lập một chiếc máy với bộ điều khiển của Mujin, thì chiếc máy đó có thể nhìn và chuyển động mà không cần phải lập trình nhiều lần. Đối với Fast Retailing, một công ty đã bán được 1,3 tỷ sản phẩm trong 1 năm, thì nhu cầu đối với hiện đại hoá là rất cấp bách, do thiếu nhân công và chi phí lưu giữ tăng cao.
Takuya Jimbo, giám đốc điều hành phụ trách lĩnh vực thay đổi chuỗi cung ứng của Fast Retailing, chia sẻ: "Việc tuyển dụng công nhân ngày càng khó khăn đến mức không tưởng. Chúng tôi phải là người đi đầu, tiếp tục thử nghiệm và gặp lỗi, bởi chỉ những công ty có thể cải tiến mô hình kinh doanh mới sống sót."
Loại robot này - được Yaskawa Electric sản xuất, hiện đã hoạt động trong kho chính của Fast Retailing ở Tokyo. Tuy nhiên, ông Takino thừa nhận rằng nó không thể xử lý tất cả các khâu đóng gói sản phẩm và cần phải hoàn thiện thêm. Ví dụ, bao bì nhựa của đồ lót giữ nhiệt dòng Heattech của Uniqlo khá đơn giản đối với robot, nhưng quá trình này sẽ khó thực hiện hơn khi công ty đổi sang sử dụng loại giấy thân thiên với môi trường. Ngoài ra, Những con robot này có thể cầm những chiếc dây lưng, nhưng dây lưng lại không được cuộn gọn gàng khi đưa vào trong hộp.
Nói về những lo ngại rằng robot sẽ thay thế công việc của con người, ông Takino cho biết: "Trong trường hợp ở các nhà kho, thì sẽ không có tình trạng con người bị thay thế bởi không có công nhân nào làm việc tại đó."
Tham khảo Financial Times