Đồng đô la Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 9 tháng so với đồng euro vào thứ Năm (12/11) sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ cho thấy giá cả đang có xu hướng giảm kéo dài, làm gia tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong thời gian tới sẽ không quá tích cực trong việc tăng lãi suất.
Dữ liệu cho thấy giá cả ở Mỹ trong tháng 12 bất ngờ giảm lần đầu tiên sau hơn 2 năm rưỡi. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,1% trong tháng trước, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2020 - khi nền kinh tế lao đao vì làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ nhất.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự báo chỉ số CPI tháng 12 không thay đổi.
Áp lực về giá đang giảm bớt khi ngân hàng trung ương Mỹ bước vào chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất kể từ những năm 1980 làm giảm nhu cầu, và những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng giảm bớt đáng kể.
Sal Guatieri, nhà kinh tế cấp cao của BMO Capital Markets, cho biết: "Số liệu lạm phát trong ba tháng đang bắt đầu hình thành một xu hướng tăng chậm lại, điều có thể thúc đẩy Fed giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ hơn nữa vào ngày 1/2".
Đồng USD lúc kết thúc ngày 12/1 theo giờ Việt Nam chạm mức 1,0845 USD/EUR, thấp nhất so với đồng tiền chung kể từ ngày 25 tháng 4 sau khi báo cáo CPI được công bố.
Đồng euro tiếp tục được hỗ trợ xu hướng tăng bởi thông điệp của các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy quyết tâm thắt chặt tiền tệ thêm nữa, với 4 quan chức hôm 11/1 kêu gọi tăng lãi suất bổ sung.
"Dự đoán của chúng tôi là ECB sẽ tăng lãi suất thêm 125 điểm cơ bản và duy trì ở đó cho đến năm 2024," ông Chris Turner, người phụ trách các thị trường toàn cầu của ING (ở London) cho biết.
"Quan điểm của chúng tôi đối với chính sách của Fed so với chính sách của ECB sẽ là tỷ giá USD/EUR sẽ mạnh lên trong năm nay"
Đồng USD giảm 0,34% so với đồng euro EUR, xuống 1,0796 USD vào lúc kết thúc ngày 12/1 theo giờ Việt Nam, sau khi có lúc chạm mức cao nhất trong vòng hơn 7 tháng (1,08155 USD).
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức, tham chiếu cho khu vực đồng euro, đã nhanh chóng hồi phục sau khi giảm mạnh lúc đầu phiên.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt đã giảm 0,407% xuống 102,7, mức thấp nhất kể từ ngày 9/6.
Đồng bạc xanh chạm mức thấp nhất trong 6 tháng rưỡi so với yen Nhật, được thúc đẩy bởi báo cáo của Yomiuri rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ xem xét các tác động phụ của việc nới lỏng tiền tệ tại cuộc họp chính sách vào tuần tới và có thể thực hiện thêm các biện pháp khác.
Tin tức này xuất hiện sau sự điều chỉnh bất ngờ của BOJ vào tháng 12 đối với việc kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu, mặc dù động thái này đã không giải quyết được những biến động gây ra trên thị trường trái phiếu do việc ngân hàng trung ương ồ ạt mua trái phiếu.
Ông Turner của ING cho biết: "Báo cáo nhấn mạnh rằng cuộc họp của Ngân hàng Nhật Bản vào tuần tới sẽ diễn ra trực tiếp để có thể thay đổi chính sách".
"Bạn có thể bắt đầu thấy việc bình thường hóa chính sách tiền tệ sẽ là một bước tiến lớn đối với Nhật Bản (và) một luồng gió rất tích cực đối với đồng yên," ông Turner nói thêm.
Đồng USD kết thúc phiên 12/1 giảm 1,75% so với đồng yen, xuống 130,2 JPY/USD. Đô la Úc tăng 0,59% lên 0,6947 USD, trong khi đô la New Zealand tăng 0,18% lên 0,6378 USD.
Dữ liệu công bố hôm thứ Năm cho thấy thặng dư thương mại của Úc bất ngờ mở rộng trong tháng 11 và cao hơn nhiều so với dự báo.
So với bảng Anh, USD tăng 0,3% lên 1,2187 USD/GBP. Đồng bảng đã giảm 10,6% so với đồng USD trong năm 2022,
Bối cảnh kinh tế ảm đạm của Anh vẫn là tâm điểm chú ý của các thương nhân. Kết quả một cuộc khảo sát hôm thứ Năm cho thấy lĩnh vực xây dựng của nước này bị đình trệ vào cuối năm ngoái, với việc xây dựng nhà ở đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí vay tăng.
Nhà kinh tế cấp cao Colin Asher của Mizuho cho biết: "Sự thiếu lạc quan xung quanh triển vọng (có thể) khiến GBP yếu đi trong năm nay". Ông dự báo đồng bảng Anh giảm xuống 1,31 USD vào quý 4 năm 2023.
BoE đã tăng lãi suất 9 lần kể từ tháng 12 năm 2021 trong nỗ lực giảm lạm phát vẫn ở gần mức cao nhất trong 41 năm, đồng thời cố gắng tránh suy thoái kinh tế sâu sắc.
Tiền tệ châu Á tăng giá mạnh do Trung Quốc mở cửa thị trường sau khi kết thúc chính sách kiểm soát chặt chẽ để chống Covid-19.
Tỷ lệ đặt cược tăng giá vào đồng baht của Thái Lan và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 5 năm khi Trung Quốc xoay trục mạnh mẽ khỏi các biện pháp kiềm chế nghiêm ngặt chống Covid-19 đã thúc đẩy các nhà đầu tư muốn củng cố các vị thế mua vào đối với các tiền tệ trong khu vực, kết quả một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy.
Các vị thế mua được củng cố trên gần như tất cả các loại tiền tệ mới nổi của châu Á, đảo ngược xu hướng của năm 2022, khi nhiều trong số các đồng tiền đó đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm so với đồng đô la Mỹ do Fed thắt chặt tiền tệ và các yếu tố khác như lạm phát gia tăng và xung đột giữa Nga-Ukraine.
Đồng baht đã mạnh lên 3,5% trong hai tuần đầu tiên của năm 2023, nhiều hơn bất kỳ đồng tiền nào ở châu Á, với các vị thế tăng giá đạt mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2018.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng do lạc quan rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi, với việc nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài đạt là 6,747 CNH/USD, và trên thị trường nội địa ở mức 6,7580 CNY, tăng 70 pip so với phiên trước.
Đồng nhân dân tệ đã tăng 2,1% so với đồng đô la từ đầu năm đến nay, đảo ngược xu hướng giảm của năm 2022, với mức giảm một năm nhiều nhất trong 28 năm.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng ngày thứ 5 liên tiếp, chính thức vượt mốc 18.000 USD lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng, là 18.159 USD vào lúc kết thúc ngày 12/1 theo giờ Việt Nam.
Giá Bitcoin ngày 12/1.
Đặc biệt, giá vàng có lúc tăng hơn 1% lên trên ngưỡng quan trọng 1.900 USD/ounce, sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ hạ nhiệt làm gia tăng khả năng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Lúc kết thúc ngày 12/1 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.886,19 USD/ounce, trước đó có lúc đạt 1.901,4 USD, mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2022. Giá vàng kỳ hạn tháng 2 cũng tăng 0,6% lên 1.889,50 USD.
Những người tham gia thị trường tiền nhận định có 89,6% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản vào tháng Hai.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures, cho biết: "Kỳ vọng rõ ràng là vào thời điểm này, chúng ta sẽ thấy thêm hai đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản nữa tại hai cuộc họp tiếp theo của Fed".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk