Thị trường chứng khoán Mỹ gây chú ý khi kết thúc chuỗi tăng điểm kéo dài bởi nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc do những thông tin từ Facebook.
Kết thúc phiên 3/2, cả 3 chỉ số chứng khoán Phố Wall đều giảm điểm sau sự cố cổ phiếu của công ty mẹ Facebook, Meta Platforms giảm mạnh nhất từ trước đến nay, khiến vốn hóa trên thị trường của Meta mất hơn 1/4, làm rung chuyển nhóm cổ phiếu công nghệ và khiến chỉ số Dow Jones kết thúc phiên giảm 1,45%, S&P 500 giảm 2,44% và Nasdaq 3,74%.
Theo dữ liệu của Reuters, cổ phiếu của Meta đã giảm 26,4%, làm bốc hơi khoảng hơn 200 tỷ USD vốn hóa trên thị trường, với lý do hãng đổ lỗi cho những thay đổi về quyền riêng tư của Apple và sự cạnh tranh gia tăng từ các đối thủ như TikTok gây ra triển vọng đáng thất vọng.
Mức giảm này nhiều chưa từng có đối với một công ty Mỹ, vượt xa cả mức giảm 180 tỷ USD của Apple Inc vào ngày 3 tháng 9 năm 2020.
Cổ phiếu công ty mẹ của Facebook lao dốc mạnh.
Sự lao dốc của Meta đã khiến chỉ số Nasdaq mất đi 0,9% và làm tổng giá trị của tổ hợp S&P 500 giảm 0,6%, theo tính toán của Reuters.
Cổ phiếu của các công ty truyền thông xã hội khác cũng giảm. Theo đó, cổ phiếu của Twitter Inc giảm 5,6%, trong khi của Pinterest Inc và Snap Inc giảm lần lượt 10,3% và 23,6%. Các cổ phiếu công nghệ lớn như Alphabet Inc và Microsoft Corp giảm hơn 3%, trong khi Amazon.com Inc giảm 7,8%.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD sắp kết thúc tuần giảm giá mạnh nhất trong vòng gần 2 năm do bị mất giá mạnh trong những phiên cuối tuần, nhất là sau khi thái độ của các ngân hàng trung ương châu Âu và Anh trở nên ‘diều hâu’ hơn.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – sáng 4/2 theo giờ châu Á giảm xuống mức thấp ba tuần, là 95,271, tính chung cả tuần giảm 2% - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Riêng phiên 3/2, Dollar index đã giảm 0,7%, là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 5 năm 2021.
Đồng euro tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần so với USD sau những phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, làm gia tăng kỳ vọng vào việc ECB sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn so với kế hoạch trước đây, khi bà thay đổi quan điểm và tỏ ra lo ngại về triển vọng lạm phát quá nóng ở khu vực đồng euro (Eurozone).
Đồng euro vọt lên 1,1452 USD, mức cao nhất kể từ ngày 14 tháng 1, sau khi tăng 1,2% lên 1,1441 trong phiên 3/2, là phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 12 năm 2020.
ECB kết thúc cuộc họp được thị trường chờ đợi suốt tuần này với kết luận không thực hiện bất kỳ động thái quan trọng nào và giữ nguyên lãi suất cũng như các chương trình kích thích.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách, bà Lagarde đã không nhắc lại những nhận định trước đây rằng lãi suất trong khu vực nhiều khả năng sẽ không tăng trong năm nay. Trái lại, bà thừa nhận rằng lạm phát ở khu vực đồng euro đang nóng hơn dự kiến, với rủi ro nghiêng về phía tăng. Song bà cũng cho biết ECB sẽ không vội vàng thực hiện các động thái mới.
Khi được hỏi liệu ECB có "rất khó" tăng lãi suất trong năm nay hay không, Lagarde cho biết họ sẽ đánh giá các điều kiện rất cẩn thận và "phụ thuộc vào dữ liệu".
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, lạm phát của Eurozone đã tăng 5,1% trong tháng 1 vừa qua, cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập và công bố số liệu này vào năm 1997, so với mục tiêu của ECB là 2%.
Thị trường hiện đang định giá 80% cơ hội ECB sẽ tăng lãi suất thêm 10 điểm cơ bản vào tháng 6 và gần 100% khả năng tăng 40 điểm cơ bản vào cuối năm, cao hơn tỷ lệ 90% cho rằng sẽ tăng 30 điểm cơ bản trước cuộc họp báo của bà Lagarde.
Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng về châu Âu của Capital Economics, cho biết: "Chủ tịch Lagarde đã có giọng điệu ‘diều hâu’ hơn nhiều trong cuộc họp báo lần này so với bất kỳ cơ hội phát ngôn nào trước đây", "Đáng chú ý nhất, bà kiên quyết từ chối lặp lại quan điểm của mình rằng việc tăng lãi suất trong năm nay là 'rất khó xảy ra', hoặc thậm chí là 'không xảy ra.' Trên thực tế, bà đã nói với các nhà đầu tư rằng có khả năng sẽ tăng lãi suất trong năm nay".
Đồng bảng Anh cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm so với đồng euro sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất lên 0,5%, với gần một nửa các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này ủng hộ việc tăng mạnh hơn để kiềm chế lạm phát gia tăng.
Bảng Anh hiện ở mức 1,3604 USD, sau khi tăng lên mức cao nhất trong vòng hai tuần, là 1,6326 USD hôm 3/2, sau khi BoE tăng lãi suất.
Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà phân tích vẫn nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm vào tháng 3 tới, và sẽ tăng khoảng 5 lần trong năm nay. Fed Fund Futures hiện nhận định khoảng 20% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong lần hợp tới.
Báo cáo về dữ liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp Mỹ tháng 1 sẽ được công bố vào thứ Sáu (4/2), song dữ liệu này không được nhà đầu tư chờ đợi nhiều vì sẽ không quan trọng đối với Fed như trước đây, bởi trọng tâm quan tâm của Fed hiện nay là lạm phát hơn là toàn dụng lao động. Các nhà phân tích dự báo số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp Mỹ sẽ tăng 150.000 trong tháng 1, thấp hơn mức 199.000 của tháng 12, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ giữ ổn định ở 3,9%.
Tỷ giá tiền tệ thế giới.
Tham khảo: Reuters