Tính từ đầu tuần đến nay, USD đã giảm 0,2%, đưa mức giảm trong cả tháng 4 lên 2,8%. Chuỗi giảm giá kéo dài 4 tuần là đợt giảm dài nhất kể từ cuối tháng 7 năm ngoái – khi giảm liên tiếp 6 tuần. Mức giảm giá trong tháng 4 này cũng nhiều nhất kể từ sau khi giảm 4% ở tháng 7/2020. Nhà đầu tư lo ngại chỉ số đồng USD (dollar index) có thể giảm xuống dưới 90, từ mức 90,6 hiện nay.
Trong nước, USD cũng vững đến giảm. Ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.158 VND/USD. Vietcombank niêm yết USD/VND ở mức: 22.930 đồng - 23.140 đồng (mua - bán); euro ở mức 27.121 đồng - 28.538 đồng (mua vào - bán ra); yen Nhật ở mức 206 đồng - 216 đồng (mua vào - bán ra); bảng Anh ở mức 31.348 đồng - 32.658 đồng (mua vào - bán ra); nhân dân tệ ở mức 3.486 đồng - 3.632 đồng (mua vào - bán ra); CAD ở mức 17.526 - 18.258 đồng (mua vào - bán ra).
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc kỳ họp tháng này vào ngày 28/4 khẳng định sẽ duy trì biên độ mục tiêu đối với lãi suất cho vay liên bang ở mức 0-0,25% và mua trái phiếu số lượng lớn nhằm tiếp tục hỗ trợ tiến trình phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 . Fed cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục tăng lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc lên ít nhất 80 tỷ USD/tháng và trái phiếu được bảo đảm bằng thế chấp lên ít nhất 40 tỷ USD/tháng cho đến khi đạt được "tiến bộ đáng kể hơn nữa", nhằm hướng tới các mục tiêu về việc làm tối đa và ổn định giá cả.
Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, thừa nhận nền kinh tế Mỹ có sự tăng trưởng, nhưng cho biết vẫn chưa có đủ bằng chứng về "tiến bộ đáng kể hơn nữa" đối với sự phục hồi để đảm bảo thay đổi chính sách. Kinh tế Mỹ quý 1/2021 tăng trưởng mạnh nhờ các chính sách kích thích của Chính phủ nước này.
Đồng đô la Canada (CAD) sáng nay 30/4 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 năm, là 1,2273 CAD/USD, tính chung cả tuần này tăng 1,7%, là mức tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái.
Sự ôn hòa của Fed hoàn toàn trái ngược với ngân hàng trung ương Canada, tổ chức đã bắt đầu giảm mạnh việc mua tài sản. Bên cạnh đó, giá dầu mỏ tăng lên mức cao nhất 6 tuần cũng góp phần đẩy CAD tăng lên.
Giá hàng hóa tăng cũng hỗ trợ đồng đô la Australia (AUD) tăng 0,2% lên 0,77795 USD, gần sất mức cao nhất 6 tuần của phiên liền trước là 0,78180 USD (hôm 28/4).
Đồng euro EUR đi ngang trong phiên vừa qua, ở mức 1,2122 USD, nhưng không xa so với mức cao kỷ lục 2 tháng của phiên trước đó (1,2150 USD). Đồng tiền chung đã tăng 0,2% trong tuần này, và tăng 3,3% trong tháng 4 này.
Đồng yên Nhật (JPY) trái lại giảm so với USD bởi sự hồi phục lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và chứng khoán toàn cầu hồi phục lên mức cao kỷ lục làm giảm nhu cầu đối với tiền yen, vốn được coi là tài sản an toàn.
Theo đó, JPY hiện ở mức 108,86 USD, gần sát mức thấp nhất 2 tuần của phiên liền trước (109,22), và là tính chung cả tuần giảm khoảng 1%.
Đối với tiền điện tử, đồng ether (ETH) hiện dao động sát mức cao kỷ lục 2.800,89 USD của phiên 28/4, sau khi Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), ngân hàng đầu tư thuộc sở hữu của các Quốc gia Thành viên EU, thông báo về việc phát hành trái phiếu kỹ thuật số đầu tiên của tổ chức được xây dựng trên một blockchain công khai. Theo đó, trái phiếu được phát hành bằng cách sử dụng Ethereum và đợt phát hành thu hút 121 triệu đô la trái phiếu hai năm được đặt với các nhà đầu tư quan trọng trên thị trường.
Đối thủ lớn hơn của ETH, Bitcoin (BTC) hiện giao dịch ở 53.511,89 USD, tăng khá mạnh so với mức chỉ 47.004,20 USD cách đây gần một tuần, nhưng đã cũng giảm nhiều so với 64.895,22 USD hồi giữa tháng 4/2021.
Tỷ giá quốc tế sáng 30/4
Tham khảo: Refinitiv