Tỷ giá USD/VND đang có xu hướng giảm nhẹ trở lại
Áp lực nhẹ bớt
Tỷ giá trung tâm tăng liên tục trong tuần trước, thậm chí tăng khá mạnh tới 11 đồng trong phiên cuối tuần và khép lại tuần qua ở mức 23.272 đồng/USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, diễn biến lại hoàn toàn trái ngược trong tuần này. Sau khi giữ nguyên ở mức 23.272 đồng/USD trong phiên đầu tuần, tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh giảm trở lại trong hai phiên gần đây. Cụ thể trong phiên ngày 28/4, tỷ giá trung tâm giảm 10 đồng xuống còn 23.262 đồng/USD và giảm tiếp 5 đồng trong phiên ngày 29/4 xuống còn 23.257 đồng/USD.
Giá mua- bán USD của các ngân hàng cũng lên/xuống theo cùng nhịp với tỷ giá trung tâm. Theo đó, giá mua – bán USD của các ngân hàng cũng quay đầu giảm trở lại trong tuần này. Hiện giá mua vào đồng bạc xanh của các nhà băng phổ biến trong khoảng 23.340 – 23.350 đồng/USD, trong khi giá bán ra phổ biến trong khoảng 23.520 – 23.530 đồng/USD.
Sở dĩ áp lực tỷ giá trong nước đã giảm bớt do USD đã giảm từ mức trên 100 điểm xuống tới 99 điểm vì các nhà đầu tư lo ngại Mỹ đã tung ra các gói kích thích kinh tế lên tới gần 3.000 tỷ USD, cộng với các gói nới lỏng định lượng (QE) của FED sẽ làm tăng áp lực lạm phát của quốc gia này. Hơn nữa, các số liệu kinh tế Mỹ được công bố thời gian qua đều ở mức kém khả quan, đặc biệt là số liệu về doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp, dịch vụ đều giảm mạnh…Đáng chú ý GDP quý 1 giảm tới 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 102 đồng/USD, tương đương tăng 0,44%. Trong khi đó, giá mua vào USD của các ngân hàng tăng khoảng 310 đồng/USD, tương đương tăng 1,34%, còn giá bán ra tăng khoảng 300 đồng, tương đương tăng 1,3%.
Áp lực vẫn còn lớn
Theo các chuyên gia, áp lực đối với tỷ giá vẫn còn lớn. Bởi vì, chỉ số đồng USD vẫn đang giao dịch gần sát ngưỡng 100 điểm, mức cao nhất trong vòng ít nhất 3 năm trở lại đây. Mặc dù FED đã cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, song vẫn chưa thấm vào đâu so với nhiều NHTW lớn khác như ECB, BoJ..., nên lãi suất đồng USD vẫn còn cao hơn so với lãi suất cơ bản đồng EUR, JPY… Đó là một trong những lực đỡ quan trọng cho USD.
Quan trọng hơn, sự suy giảm của USD chỉ là tạm thời bởi chừng nào chưa có vacxin đặc trị COVID-19, chừng đó dịch bệnh này vẫn chưa được khống chế hoàn toàn trên bình diện toàn cầu. Điều đó có nghĩa nhu cầu USD vẫn còn rất lớn khi mà giới đầu tư vẫn xem đây là tài sản an toàn trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu. "USD mạnh vì nền kinh tế Mỹ và vì mọi người muốn giữ USD cũng như sự an toàn của USD", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Setven Mnuchin nhấn mạnh.
Nhiều tổ chức trong nước cũng có chung nhận định như vậy, nhất là khi nguồn cung ngoại tệ được dự báo sẽ không còn dồi dào như năm 2019. Công ty Chứng khoán KB đã điều chỉnh quan điểm tỷ giá của mình khi dự báo VND sẽ mất giá khoảng 2,5% trong năm 2020, thay vì kịch bản đi ngang như trong Báo cáo triển vọng 2020 được công bố hồi đầu năm. Nguyên nhân do cung – cầu ngoại tệ trong thị trường thay đổi theo chiều hướng thiếu hụt USD dưới tác động của dịch COVID-19.
Trong giai đoạn 2017 – 2019, nguồn cung ngoại tệ dồi dào, bao gồm thặng dư cán cân vãng lai và cán cân tài chính là yếu tố nền tảng giúp tỷ giá ổn định, VND không bị mất giá mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 đã tạo ra cú sốc cung và cầu trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, ước tính cán cân vãng lai sẽ chuyển sang thâm hụt khoảng 0,2% GDP trong năm 2020. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới suy giảm sẽ khiến dòng tiền kiều hối và FDI tăng trưởng chậm hơn so với năm 2019. Trong khi nhu cầu về đồng USD tăng cao trong năm 2020, đặc biệt khi các nhà đầu tư lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu nên có xu hướng rút vốn tại các thị trường cận biên, trong đó có Việt Nam.