Diễn biến này xuất phát từ sự phục hồi của đồng USD trên thị trường thế giới trong các tháng gần đây. Đáng chú ý, trong cuộc họp gần đây nhất, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) lại công bố dự kiến nâng số lần tăng lãi suất đồng USD từ 3 lần lên 4 lần trong năm nay, làm tăng thêm áp lực đối với tỷ giá trong nước.
Đồng USD hồi phục trở lại
Trong tháng 1-2018, thị trường ngoại hối trong nước biến động nhẹ, tỷ giá trung tâm tăng nhẹ 0,06% so với cuối năm 2017, tỷ giá NHTM tăng khoảng 0,02%, tỷ giá thị trường tự do giữ nguyên. Diễn biến này xuất phát từ việc USD mất giá mạnh trên thị trường quốc tế (chỉ số Dollar Index giảm 2%).
Nhưng từ tháng 2 đến nay đồng USD đã dần lấy lại vị thế. Trong tháng 2, FED vẫn giữ nguyên mức lãi suất điều hành (1,25- 1,5%) nhưng FED cũng công bố, triển vọng tăng trưởng vững chắc trong hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ cộng với dự kiến lạm phát sẽ đạt mục tiêu 2% trong năm 2018, nên FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất khoảng 3 lần trong năm 2018. Điều này đã giúp đồng USD phục hồi trong tháng 2, tác động mạnh đến tỷ giá trong nước.
Thời điểm cuối tháng 2-2018, tỷ giá trung tâm đã tăng 0,13% so với cuối năm 2017, tỷ giá NHTM tăng khoảng 0,12%, đáng chú ý tỷ giá thị trường tự do đã bật tăng khoảng 0,22%.
Năm 2018, Việt Nam đứng trước áp lực tăng lãi suất tiền gửi USD, vì mỗi lần Hoa Kỳ điều chỉnh tăng lãi suất, Việt Nam vẫn giữ nguyên lãi suất bằng 0% cho tiền gửi USD, đã khuyến khích một lượng ngoại tệ của Việt Nam chảy ra thị trường nước ngoài, gây bất lợi cho các NH khi huy động vốn. Vì vậy, nếu FED điều chỉnh tăng lãi suất, Việt Nam cũng nên xem xét điều chỉnh lãi suất cho tiền gửi USD để huy động nguồn vốn ngoại tệ trong dân theo yêu cầu của Chính phủ, giảm áp lực đối với tỷ giá của các NH và đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ trong nước.
TS. Nguyễn Trí Hiếu,
chuyên gia tài chính NH
Mở đầu tháng 3, đồng USD tiếp đà tăng nhanh sau khi ông Jerome Powell, tân Chủ tịch FED sau khi nhậm chức đã có những phát biểu đầu tiên về quan điểm chính sách tiền tệ của FED trong buổi điều trần đầu tiên trước Quốc hội Hoa Kỳ.
Ông Jerome Powell cho rằng, dựa trên những số liệu kinh tế mới đây, niềm tin về lạm phát của Hoa Kỳ được củng cố, nên FED có thể tăng lãi suất 4 lần thay vì chỉ 3 lần trong năm nay. Điều này đã nhanh chóng đẩy giá mua vào USD lên phổ biến ở mức 22.720 đồng/USD, giá bán ra từ 22.790-22.795 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường tự do giao dịch ở mức 22.750 - 22.780 đồng/USD. So với trước Tết Nguyên đán, tỷ giá USD của các NHTM tăng 70-85 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Những ngày đầu tuần trước, đồng USD trên thế giới bất ngờ giảm nhanh, xu hướng bán tháo xuất hiện do giới đầu tư lo ngại về một cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác trên thế giới, khi Tổng thống Donald Trump đưa ra sáng kiến bảo vệ kinh tế Hoa Kỳ từ việc tăng thuế nhập khẩu một số mặt hàng, nhất mức áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu của Trung Quốc.
Nhưng sau đó Tổng thống Donald Trump chính thức ký lệnh đánh thuế 25% cho thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ nhưng sẽ miễn trừ Canada, Mexico và các nước khác có thể đề nghị được miễn trừ, nỗi lo về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại đã giảm xuống, giúp chứng khoán Hoa Kỳ tăng điểm và USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác. Đến ngày 10-3, đồng USD trên thị trường Hoa Kỳ tiếp tục tăng nhanh trước thông tin Tổng thống Donald Trump nhận lời mời gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thời gian và địa điểm cụ thể sẽ được ấn định sau nhưng sớm nhất có thể từ nay đến tháng 5.
Lo ngại mất cân bằng cung cầu
Năm 2017, FED đã điều chỉnh tăng lãi suất đồng USD 3 lần nhưng do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác, đồng USD đã mất giá khoảng 7% trong rổ tiền tệ. Theo đó, tỷ giá USD/VNĐ trong năm đã diễn biến khá ổn định. Trong dự báo đưa ra vào đầu năm, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, tỷ giá năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố.
Một là cán cân thương mại có khả năng tiếp tục thặng dư do kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu tiếp tục xu thế tăng so với năm trước.
Hai là dòng vốn nước ngoài tiếp tục xu hướng chảy vào các khu vực kinh tế mới nổi và đang phát triển để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn trong bối cảnh lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển.
Ba là đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục mất giá trong năm 2018. Cụ thể, Citibank dự đoán USD sẽ mất giá khoảng 5% trong năm 2018. Tuy nhiên, những diễn biến về thương mại, chính trị giữa Hoa Kỳ và các nước cộng với dự kiến tăng lãi suất 4 lần của FED trong năm 2018, đã đưa đồng USD lội ngược dòng.
Chỉ số Dollar Index đo lường biến động đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trong ngày 10-3 đã tăng vọt lên 90,3 điểm, đồng USD cũng tăng mạnh sau khi xuống mức thấp nhất 1 năm rưỡi qua so với đồng yen Nhật. Kéo theo đó, tỷ giá tại các NHTM cũng liên tục được điều chỉnh mạnh, giá bán USD tại các NHTM đang được áp dụng từ 22.790-22.812 đồng/USD, giá mua vào dao động từ 22.700-22.720 đồng/USD. Đáng chú ý, trên thị trường tự do, giá USD cũng vượt xa giá của các NHTM với mức giá mua bán hiện tại là 22.800-22.850 đồng/USD.
Trao đổi với chủ một tiệm vàng tại Trung tâm vàng bạc đá quý số 1 trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TPHCM), được biết do lãi suất tiền gửi USD tại NH chỉ 0%/năm và giá USD trên thị trường tự do có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây, nên lượng khách hàng chọn thị trường chợ đen giao dịch, bán USD lấy VNĐ tăng khá mạnh so với năm ngoái.
Nguồn USD thu mua đang được các tiệm vàng găm giữ, vì dự báo tỷ giá sẽ khả quan hơn trong thời gian tới sau những thông tin tích cực đến từ thị trường Hoa Kỳ. Còn số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, vốn huy động bằng ngoại tệ của các TCTD giảm 0,3%, chiếm 9,7% tổng vốn huy động. Trong khi đó, Việt Nam lại còn đứng trước áp lực phải trả nợ nước ngoài khoảng 5 tỷ USD trong năm nay. Diễn biến này gây ra lo ngại về áp lực đối với tỷ giá trong thời gian tới.
Áp lực lạm phát
Trong tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,18% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, yếu tố mùa vụ chỉ đóng góp làm CPI tăng khoảng 0,2 điểm% so với cùng kỳ. Lạm phát tháng 2-2018 tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2017, lạm phát cơ bản ước tăng khoảng 1,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thành phần xu thế của lạm phát có chiều hướng tiếp tục tăng, cao hơn khoảng 0,7 điểm% so với cùng kỳ năm trước, báo hiệu CPI năm 2018 sẽ có xu thế tăng cao hơn so với năm 2017 nếu lộ trình tăng giá dịch vụ công không được kiểm soát chặt chẽ.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dự báo, năm 2018, khi các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2017 như tăng đầu tư công, tăng trưởng tín dụng, đẩy nhanh đầu tư bắt đầu có tác dụng, mục tiêu lạm phát của nền kinh tế ở mức 4% sẽ là thách thức. Chưa dừng lại ở đó, lạm phát lại tiếp tục đón thêm áp lực mới vì diễn biến của tỷ giá USD trong nước những tháng đầu năm nay.
Vì theo các chuyên gia, tỷ giá tăng đẩy giá hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu tăng, theo đó giá bán hàng trong nước tăng lên ảnh hưởng đến chỉ số CPI. Do đó, kiểm soát lạm phát trong năm nay theo đúng mục tiêu, cơ quan quản lý nhà nước cần phải theo dõi sát sao và điều hành linh hoạt trước những biến động khó lường của thị trường, trong đó có tỷ giá.