Chỉ số dollar index phiên vừa qua có lúc chạm mức thấp nhất trong vòng 7 tuần so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt, nhưng kết thúc phiên đã hồi phục để tăng 0,2% so với phiên liền trước, lên 91,204 trên sàn New York.
Euro phiên này vững ở mức 1,2033 USD, sau khi tăng gần 0,4% ở phiên liền trước do tiến triển trong việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 ở khu vực này.
Bảng Anh giảm 0,4% xuống 1,3937 USD, sau khi có lúc chạm mức thấp 1,40 USD cũng trong phiên vừa qua, mặc dù phiên liền trước đó (19/4) tăng 1%.
Đồng USD mặc dù tăng trong phiên vừa qua nhưng xu hướng từ đầu tháng 4/2021 đến nay là giảm do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm khỏi mức cao nhất 14 tháng đạt được hồi tháng 3 (1,776%). Lợi suất trái phiếu Mỹ phiên vừa qua kết thúc phiên ở mức chỉ 1,57%, sau khi giao dịch trong biên độ hẹp ở suốt phiên, quanh 1,6%.
Các nhà phân tích cho biến diễn biến tỷ giá và tỷ lệ lợi suất la bằng chứng cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ chậm thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.
Chiến lược gia tiền tệ cấp cao của TD Securities, Mazen Issa, cho biết, thị trường tiền tệ và lãi suất có thể tương đối trầm lắng trong vài tuần nữa, khi FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dành thời gian xem xét điều chỉnh chính sách lãi suất của mình.
Chuyên gia Issa nói: "Thực sự không có chất xúc tác mạnh cho cả 2 hướng (tăng và giảm) trong tháng này đủ để chúng biến động vượt ra khỏi phạm vi hẹp".
Trong khi đó, đồng EUR có một chút thông tin tích cực sau khi Liên minh Châu Âu thông báo đã bảo đảm thêm 100 triệu liều vắc-xin COVID-19 do BioNTech và Pfizer cung cấp.
Cũng theo chuyên gia Issa, thông tin về tình hình tiêm chủng cho thấy tốc độ phục hồi của châu Âu sau đại dịch sẽ bắt kịp Mỹ và tiến tới là tăng trưởng nhanh hơn Mỹ.
Ông nói: "Thị trường ngoại hối đang từ bỏ dần suy nghĩ rằng Mỹ là một ngoại lệ duy nhất, mà bắt đầu hướng tới những thị trường khác ngoài Mỹ".
Hiện giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của ECB sẽ diễn ra vào thứ Năm (22/4) trong bối cảnh các quốc gia liên minh đang đới mặt với chia rẽ nội bộ về vấn đề mua trái phiếu, thời hạn phong tỏa do COVID-19 và sự trì hoãn đối với quỹ phục hồi của EU.
So với đồng yên Nhật, USD tăng lên mức 108,09 sau khi phá vỡ mức sàn108 lần đầu tiên kể từ ngày 5/3.
Các đồng tiền liên quan đến dầu mỏ đã bị ảnh hưởng khi giá dầu thô giảm 1% bởi lo ngại rằng tình trạng gia tăng số ca nhiễm COVID -19 ở Ấn Độ sẽ tác động làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Đồng đô la Canada, vốn đã ổn định trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Canada hôm thứ Tư tuần trước, di chuyển theo hướng giảm mạnh nhất trong vòng gần 2 tháng, xuống 1,2620 CAD/USD, tương đương 79,24 US cent.
Đồng crown của Nauy giảm khỏi mức cao nhất so với USD kể từ 2018.
Peso của Mexico cũng giảm theo giá dầu, sau khi dao động quanh mức cao nhất 3 tháng lúc trước đó theo xu hướng chung gần đây của thị trường tiền tệ các nước mới nổi.
Trên thị trường trong nước, theo xu hướng giảm giá của USD trên thị trường quốc tế, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm qua 20/4 là 23.182 đồng/USD, giảm 8 đồng so với phiên liền trước đó, sau khi đã giảm 18 đồng trong tuần trước. Hiện tỷ giá trung tâm đang ở mức thấp nhất khoảng một tháng qua. Tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại ngày 20/4 ổn định ở mức 22.950 VND/USD ở chiều mua và 23.160 VND/USD ở chiều bán.
Tỷ giá tiền tệ quốc tế
Tham khảo: Reuters