Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 15/3 theo giờ Việt Nam giảm gần 0,4% xuống 98,735, song vẫn tăng gần 3% kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24 tháng 2.
Đồng euro và bảng Anh đều tăng khoảng 0,5% so với đồng bạc xanh ở cùng thời điểm. USD cũng giảm 0,2% so với yen Nhật. USD phiên này giảm còn bởi nhà đầu tư bắt đầu hướng sự chú ý tới các tài sản rủi ro cao.
Bảng Anh tăng giá một phần bởi khả năng Ngân hàng trung ương nước này sắp tăng lãi suất, sau khi dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của nước này giảm hơn dự kiến xuống 3,9% trong ba tháng tính đến tháng 1/2022, trong khi các vị trí tuyển dụng đạt mức cao kỷ lục trong ba tháng tính đến tháng 2/2022.
Giá dầu Brent kỳ hạn tương lai lúc kết thúc ngày 15/3 theo giờ Việt Nam giảm tới 8% do những lo ngại về nguồn cung dịu lại khi Nga và Ukraine ngồi lại đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn, và do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc, có thể làm giảm tiêu thụ dầu mỏ ở nước này, kéo theo giảm nhu cầu trên toàn thế giới.
Nền kinh tế châu Âu và đơn vị tiền tệ đặc biệt nhạy cảm với chiến tranh và giá dầu.
"Điều đó (giá dầu giảm) phản ánh hy vọng rằng cuộc gặp gỡ giữa các nhà thương Nga và Ukraine có thể dẫn đến một giải pháp hòa bình, và có thể điều đó sắp đến", các nhà phân tích ngoại hối của Commerzbank cho biết trong một lưu ý cho khách hàng.
Trước đó, cũng trong ngày 15/3, các cặp tiền tệ chính đã tương đối ổn định suốt nhiều giờ khi thị trường lắng nghe những thông tin về chính sách lãi suất trong những tháng tới từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - diễn ra vào thứ Tư (16/3). Các nhà giao dịch muốn biết liệu Fed có đưa ra gợi ý về việc họ sẽ tăng lãi suất trở lại nhanh như thế nào sau lần tăng lãi suất đầu tiên này không.
"Lộ trình mà Fed vạch ra từ nay đến cuối năm sẽ thú vị hơn so với chính việc tăng lãi suất thực tế (ở thời điểm hiện tại)", Minh Trang, nhà giao dịch ngoại hối cấp cao thuộc Silicon Valley Bank cho biết.
Do đồng USD đã tăng giá kể từ tháng 5 năm ngoái nên các bình luận của Fed ngày 16/3 càng trở nên quan trọng.
Mức tăng giá gần đây của USD chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của nhà đầu tư đối với tài sản trú ẩn an toàn trong giai đoạn xung đột Nga – Ukraine, và chỉ một phần bởi các nhà đầu tư kỳ vọng rằng lãi suất của Mỹ sẽ tăng nhanh hơn so với của các ngân hàng trung ương khác. Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ không tăng lãi suất khi họp vào thứ Sáu (17/3).
Matthew Ryan, nhà phân tích thị trường cao cấp thuộc Ebury, cho biết: "Đồng đô la đang ở mức khá cao. Sẽ rất khó để cuộc họp chính sách của Fed có thể khiến đồng đô la có bất kỳ đợt tăng sốc nào".
Rúp Nga tăng mạnh thêm 8% vào lúc kết thúc ngày 15/3 theo giờ Việt Nam, lên 105 RUB/USD, do kỳ vọng vào cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Thị trường chứng khoán Nga tiếp tục dừng giao dịch đến ngày 18/3 – đợt đóng cửa dài kỷ lục nhằm bảo vệ các nhà đầu tư trong nước khỏi tác động của các lệnh trừng phạt khắc nghiệt. Các thương nhân trong nước đang chuẩn bị cho một đợt bán tháo khi các nhà đầu tư phản ứng với một loạt các biện pháp mới trong hai tuần qua, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga của Mỹ và Anh.
Mặc dù Nga đã hứa sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán tới 10 tỷ USD khi mở cửa trở lại, nhưng các chiến lược gia cho rằng cổ phiếu trong nước có thể giảm tới 50% khi các lệnh trừng phạt quốc tế ảnh hưởng đến mọi thứ, bao gồm khả năng tiếp cận dự trữ ngoại hối của Nga đối với hệ thống nhắn tin ngân hàng SWIFT.
Tại Châu Á, đáng chú ý là đồng nhân dân tệ Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần ba tháng do số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt làm lu mờ triển vọng kinh tế của nước này, giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng sâu sắc làm tăng rủi ro địa chính trị cho Bắc Kinh. Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng giảm điểm do dòng vốn chảy ra nước ngoài bị kích hoạt khi Fed sẵn sàng tăng lãi suất.
Trên thị trường nội địa, nhân dân tệ ngày 15/3 có lúc giảm xuống 6,3880 CNY, mức thấp nhất kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2021, trước khi hồi phục chút ít lên 6.3764 lúc cuối ngày.
Cập nhật tỷ giá hối đoái.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin trải qua ngày 15/3 biến động rất mạnh, có lúc gần chạm 40.000 USD sau khi Nghị viện Liên minh châu Âu ngày 14/3 đã chính thức bác bỏ đề xuất lệnh cấm khai thác Bitcoin và Ethereum. Kết thúc ngày 15/3 theo giờ Việt Nam, Bitcoin lùi nhẹ về mức 39.142 USD.
Thị trường tiền điện tử đang biến động mạnh cũng bởi sự kiện Nga và Ukraine đàm phán và Fed sắp tăng lãi suất. Bên cạnh đó, mặc dù Nghị viện EU không thông qua đề xuất cấm khai thác Bitcoin và Ethereum, song các loại tiền mã hóa vẫn có thể chịu giám sát của các nhà hoạch định chính sách khi EU cố gắng giải quyết các cuộc khủng hoảng năng lượng và khí hậu. Việc phòng chống ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn đề toàn cầu kể từ khi Trung Quốc cấm khai thác tiền mã hóa vào năm ngoái.
Giá Bitcoin ngày 15/3.
Giá vàng phiên này cũng lao dốc xuống mức thấp nhất 2 tuần bởi Nga và Ukraine đang đàm phán và triển vọng Fed tăng lãi suất, làm giảm nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn.
Theo đó, giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 15/3 theo giờ Việt Nam giảm 1,35% xuống 1.924,81 USD/ounce, trước đó có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 1 tháng 3, là 1.913,10 USD; vàng kỳ hạn tháng 4 cũng giảm 1,7% xuống 1.927,10 USD.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại thuộc High Ridge Futures cho biết: "Hiện nhu cầu đối với nơi trú ẩn an toàn đã giảm đi bởi đang diễn ra các cuộc đàm phán cho hòa bình ở Ukraine, Fed sắp tăng lãi suất và giá hàng hóa giảm nhanh".
Triển vọng về đợt tăng lãi suất đầu tiên trong vòng ba năm trở lại đây của Mỹ đã nâng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn10 năm lên mức cao nhất trong nhiều tháng. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi – vốn không sinh lợi.
"Động thái tăng lãi suất đầu tiên từ Mỹ thường khiến giá vàng giảm sâu, vì vậy chúng ta sẽ xem họ gửi tín hiệu gì và tuyên bố của họ sẽ "diều hâu" đến mức nào, điều này có thể sẽ xác định triển vọng ngắn hạn, kể từ lúc này", Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk