Dữ liệu vừa công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 5/2022 tăng 8,6% so với cùng kỳ, sau khi tăng 8,3% trong tháng 4/2022. Trước khi có dữ liệu này, các nhà kinh tế đã hy vọng CPI của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt đỉnh vào tháng 4, nhưng điều đó đã sai.
Trong bối cảnh này, thị trường thống nhất dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lần thứ 2 liên tiếp vào thứ Tư tuần tới (15/6).
Ngân hàng trung ương Mỹ đã dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 1/2 điểm phần trăm vào tháng 7/2022. Tính từ tháng 3 đến nay, Fed đã nâng lãi suất thêm tổng cộng 75 điểm cơ bản.
John Doyle, Phó chủ tịch phụ trách và kinh doanh của Monex USA cho biết: "Lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong 40 năm và có rất ít bằng chứng cho thấy nó đã đạt đỉnh".
Theo ông Doyle: "Chứng khoán tiếp tục lao dốc bởi dự đoán Fed đã có cơ sở để đẩy nhanh việc tăng lãi suất. Trái lại, đồng bạc xanh tăng giá mạnh do sự khác biệt chính sách tiền tệ giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác, và do các nhà giao dịch tìm nơi ẩn náu để tránh rủi ro".
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 10/6 tăng 0,7% lên 104,02, cao nhất kể từ ngày 17 tháng 5, và không xa mức 105,01 - cao nhất trong hai thập kỷ, đã chạm tới vào giữa tháng 5.
Mặc dù tăng mạnh trong phiên vừa qua, song USD lại giảm so với yen do nhu cầu đối với đồng tiền Nhật Bản tăng lên. Theo đó, JPY tăng khoảng 0,11% so với USD, lên 134,18 JPY, sau khi Chính phủ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), trong một tuyên bố hiếm hoi, đã bày tỏ lo ngại về việc yen giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ.
Trong năm nay, yen Nhật giảm liên tục do các nhà giao dịch đặt cược rằng BOJ sẽ giữ vững lập trường chính sách cực kỳ lỏng lẻo của mình,
Sau cuộc họp với BOJ mới đây, nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản, ông Masato Kanda nói với các phóng viên rằng Tokyo sẽ có hành động thích hợp nếu cần, một dấu hiệu cho thấy Nhật Bản có thể tiến gần hơn đến việc can thiệp vào thị trường để trong nỗ lực để ngăn yen giảm thêm nữa.
Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Itochu ở Tokyo, cũng nói rằng: "Tokyo có thể can thiệp nếu đồng yên giảm xuống dưới 135 so với đô la và bắt đầu rơi tự do. Đó là lúc Tokyo thực sự cần phải vào cuộc".
Bộ Tài chính, BOJ và Cơ quan Dịch vụ Tài chính cho biết trong tuyên bố chung sau cuộc họp giữa các giám đốc điều hành: "Chúng tôi đã chứng kiến sự giảm giá mạnh của đồng Yên và lo ngại về các động thái gần đây trên thị trường tiền tệ".
G7, trong đó Nhật Bản là thành viên, có chính sách lâu đời rằng các thị trường phải xác định tỷ giá tiền tệ, nhưng nhóm sẽ phối hợp chặt chẽ trong các động thái tiền tệ, và các động thái tỷ giá hối đoái quá mức và mất trật tự có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Tỷ giá USD/JPY.
Đồng USD trong phiên vừa qua tăng 0,81% so với franc Thụy Sĩ, lên mức 0,9883 franc, sau khi Bộ Tài chính Mỹ nói rằng Thụy Sĩ tiếp tục vượt quá ngưỡng có thể thao túng tiền tệ theo luật thương mại năm 2015 của Mỹ, nhưng hạn chế coi đó là "nước thao túng tiền tệ".
Với dữ liệu lạm phát của Mỹ đánh bật "khẩu vị" của các nhà đầu tư đối với tài sản rủi rom đô la Australia giảm 0,43% trong phiên này.
Đồng bảng Anh cũng giảm 1,0% xuống 1,2375 USD, và tính chung cả tuần giảm tuần thứ 2 liên tiếp do triển vọng kinh tế của Anh ảm đạm khiến các nhà đầu tư lo ngại về một tương lai đầy khó khăn.
Đồng rúp tăng vọt trong ngày 10/6 lên mức cao nhất so với đồng đô la kể từ cuối tháng Năm, gần với mức cao kỷ lục nhiều năm, sau khi ngân hàng trung ương Nga cắt giảm lãi suất cơ bản 150 điểm xuống mức trước khủng hoảng là 9,5%, đồng thời nới lỏng một số kiểm soát vốn. Mức giảm này là vượt quá kỳ vọng của thị trường – cho rằng sẽ giảm 100 điểm cơ bản.
Tại Moscow, rúp Nga kết thúc ngày thứ Sáu ở mức tăng 4% so với phiên liền trước, lên 56,98 RUB/USD. Đây là mức cao nhất kể từ ngày 25 tháng 5. So với euro, rúp cũng tăng 5,3% lên 59,92 RUB/EUR, cũng là mức cao nhất trong hơn hai tuần.
Nhân dân tệ của Trung Quốc vững so với USD trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần giảm nhiều nhất trong vòng 1 tháng do sự thiếu chắc chắn về tình hình dịch Covid-19 ở Thượng Hải cũng như lo ngại về sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc với các nền kinh tế lớn khác.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa tăng 10 pip so với lúc đóng cửa cuối phiên trước đó, chốt ở mức 6,6910 CNY. Tính chung cả tuần, CNY giảm khoảng 0,5%, mức giảm nhiều nhất kể từ giữa tháng Năm.
Trên thị trường tiền điện tử, bitcoin phiên này giảm 2,4% xuống 29.382,74 USD do áp lực bán ra mạnh kể từ khi Bitcoin mất mốc 30.000 USD trong những phiên gần đây. Lạm phát của Mỹ tăng cao cũng gây áp lực lên tiền kỹ thuật số, bởi khả năng Fed sẽ thắt chặt tiền tệ.
Giá Bitcoin ngày 10/6
Giá vàng phiên 10/6 biến động như tàu lượn, kết thúc phiên tăng sau khi trọng tâm chú ý của thị trường dồn vào những rủi ro kinh tế sau khi lạm phát của Mỹ chưa có dấu hiệu đạt "đỉnh", củng cố khả năng Fed sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 10/6 theo giờ Việt Nam tăng 0,8% lên 1.861,39 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8 tăng 0,7% lên 1.864,60 USD.
Giá tiêu dùng của Hoa Kỳ tăng nhanh trong tháng 5, cho thấy Cục Dự trữ Liên bang
Tai Wong, một nhà kinh doanh kim loại độc lập ở New York, cho biết: "Vàng đã có một chuyến tàu lượn tuyệt vời, giảm xuống mức thấp nhất của tháng trước khi tăng mạnh sau báo cáo về CPI, và càng tăng sau báo cáo tâm lý người tiêu dùng Mỹ đang tồi tệ nhất trong lịch sử".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk