Đồng bạc xanh trong phiên 14/12 tăng khá mạnh ngay sau khi thị trường mở cửa giao dịch, nhưng đảo chiều giảm sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đặt ra nhiều vấn đề sau cuộc họp. Fed dự kiến chi phí đi vay sẽ tăng thêm ít nhất 75 điểm cơ bản vào cuối năm 2023 cũng như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tăng trưởng kinh tế gần như chững lại.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - kết thúc phiên 14/12 giảm 0,39% xuống 103,622. Chỉ số Dollar Index đã giảm 9% kể từ khi đạt mức cao nhất trong 20 năm vào tháng 9 khi kỳ vọng về lãi suất của Mỹ - vốn đã cao sẽ tiếp tục tăng nữa thúc đẩy đồng đô la tăng giá - bắt đầu giảm bớt.
Chứng khoán Mỹ cũng giảm điểm sau một phiên giao dịch nhiều biến động do những thông điệp từ Fed khiến thị trường dự báo lãi suất sẽ duy trì đà tăng trong một thời gian dài.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones kết thúc phiên giảm 142,29 điểm, tương đương 0,42%, xuống 33.966,35, chỉ số S&P 500 mất 24,33 điểm, tương đương 0,61%, xuống 3.995,32 và Nasdaq giảm 85,93 điểm, tương đương 0,76%, xuống 11.170,89.
Cả ba chỉ số trung bình chính ở Phố Wall đều đang trên đà giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2018 và mức giảm phần trăm hàng năm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Chiến lược tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới trong năm nay làm gia tăng lo ngại nền kinh tế toàn cầu có thể bị đẩy vào suy thoái và đè nặng lên các tài sản rủi ro như cổ phiếu trong năm nay.
Trước khi kỳ họp tháng 12 diễn ra, dữ liệu về lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến đã khiến một số nhà đầu tư hy vọng rằng ông Powell sẽ có những phát ngôn ôn hòa trong cuộc họp báo sau kỳ họp. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Trong các bình luận sau tuyên bố kết thúc cuộc họp, ông Powell cho biết còn quá sớm để nói về việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ và trọng tâm của Fed là thiết lập chính sách đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% theo thời gian.
Bản tóm tắt hàng quý mới nhất của Fed về các dự báo kinh tế cho thấy các ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến lãi suất chính sách - hiện nằm trong khoảng 4,25% đến 4,5% - sẽ ở mức 5,1% vào cuối năm tới, tăng từ mức 4,6% vào cuối tháng 9, theo ước tính trung bình của tất cả 19 nhà hoạch định chính sách của Fed.
"Đây là một tập hợp những thông điệp cho thấy Fed vẫn muốn thắt chặt chính sách nhiều hơn mức thị trường mong đợi. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ đã dập tắt hy vọng về việc nới lỏng bền vững các điều kiện tài chính khi duy trì những ngôn ngữ giống như trước đây, nói rằng 'sự gia tăng liên tục (lãi suất)' là cần thiết để đặt chính sách thắt chặt có một một nền tảng đủ vững vàng để hạn chế lạm phát," Karl Schamotta, giám đốc chiến lược thị trường của Corpay nói.
Theo ông Corpay: "Bằng cách nâng dự báo lãi suất cuối kỳ lên 5,1% và tránh giảm mạnh kỳ vọng lãi suất dài hạn, các quan chức Fed đã không từ bỏ thông điệp '(lãi suất) tăng trong thời gian dài' đã được nêu rõ trong nhiều tháng". "Cân bằng lại, điều này cho thấy chúng ta sẽ cần xem thêm bằng chứng thuyết phục về việc giảm bớt áp lực lạm phát trước khi Fed 'xoay trục' theo bất kỳ cách nào."
Về phía mình, ông Derek Halpenny, người phụ trách bộ phận nghiên cứu và thị trường toàn cầu của MUFG, cho biết: "Sự nghi ngờ của chúng tôi tại thời điểm này là Chủ tịch Powell đã mất công sức trong việc xoay chuyển động lực tăng lãi suất và bất kỳ lời hùng biện nào của ông về việc lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhanh cũng khó có thể thu hút được nhiều sự chú ý khi đối mặt với chỉ số CPI yếu vừa được công bố gần đây". Và Bất kỳ sức mạnh nào của đồng đô la Mỹ nhờ những phát ngôn về việc lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhanh đều có thể đảo ngược nhanh chóng."
Đồng euro kết thúc phiên vừa qua tăng 0,43% so với đồng USD lên 1,0674 USD/EUR. So với yen Nhật, USD cũng giảm 0,24% xuống 135,235 JPY/YSD. Đồng bảng Anh cũng tăng 0,54% so với đồng đô la lên 1,2429 USD/GBP.
Lạm phát hàng năm ở Anh hiện vẫn là 10,7%, giảm nhẹ so với mức dự đoán 10,9% nhưng vẫn ở mức rất cao đối với người tiêu dùng Anh.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Đồng rúp Nga trong phiên vừa qua giảm về sát mức 64 RUB/USD, thấp nhất trong vòng 2 tháng, do bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ Nga. Theo đó, RUB có lúc xuống 63,925 RUB/USD, kết thúc phiên ở mức 63,25 RUB.
Nhân dân tệ Trung Quốc cũng giảm giá so với USD, giảm 0,2% xuống 6,945 CNY/USD.
Từ nay đến cuối tuần, các nhà giao dịch tiền tệ sẽ tập trung vào các cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh – được dự báo cũng sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào thứ Năm (15/12). Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng họp vào thứ Năm.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin trong phiên vừa qua đã vượt qua ngưỡng 1.800 USD, về cuối phiên 14/12 (kết thúc vào rạng sáng 15/12 theo giờ Việt Nam) có thời điểm đạt 18.307 USD, trước khi hạ nhiệt và kết thúc ở mức 17.805 USD.
Giá bitcoin ngày 14/12.
Giá vàng giảm nhẹ trong phiên vừa qua do Fed báo hiệu rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong năm mới và cho biết còn quá sớm để xem xét cắt giảm lãi suất.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,1% xuống 1.808,09 USD/ounce, trong phiên có lúc giảm 0,8% ngay sau thông báo của Fed về việc tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm được dự đoán rộng rãi và dự báo chi phí đi vay sẽ tăng thêm ít nhất 75 điểm cơ bản vào cuối năm 2023.
Giá vàng tương Mỹ kỳ hạn tháng 2/2023 cũng giảm 0,4% xuống 1.818,70 USD.
Giá vàng giảm bất chấp USD yếu đi bởi rõ ràng Fed không có ý định thực hiện đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm 2023.
Tham khảo: Reuters, Coindesk