Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 26/12 cho biết bắt đầu từ ngày 8/1/2023 sẽ ngừng yêu cầu khách đến du lịch phải cách ly, ngay cả khi số ca nhiễm COVID tăng đột biến; đồng thời hạ cấp quản lý dịch COVID-19 từ nhóm A xuống nhóm B.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 27/12 theo giờ Việt Nam tăng 0,134% lên 104,220.
Có một sự bất thường là trong khi USD – đồng tiền trú ẩn an toàn – tăng giá thì đồng đô la Úc – đại diện cho các tiền tệ rủi ro - cũng tăng 0,22% so với đồng bạc xanh lên 0,674 USD, trong khi đô la New Zealand tăng lúc đầu phiên nhưng sau đó giảm 0,14% xuống còn 0,629 đô la. Hai loại tiền tệ này thường có biến động cùng chiều với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Trong phiên vừa qua, nhân dân tệ Trung Quốc giao dịch ở nước ngoài có giá giảm 0,12% xuống 6,9661 CNH/USD.
Marc Chandler, chiến lược gia trưởng phụ trách thị trường của Bannockburn Global Forex, cho biết: "Chúng ta đang ở trong một phạm vi giao dịch rất hẹp và tôi nghĩ với việc đồng đô la tăng giá so với đồng euro và đồng yên, chúng ta có thể sẽ thấy đồng đô la tăng giá hơn nữa so với đồng tiền của Trung Quốc".
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng kỳ vọng "quyết tâm mở cửa trở lại hoàn toàn của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc" sẽ thúc đẩy nhân dân tệ tăng giá, Christopher Wong, chiến lược gia tiền tệ thuộc OCBC, cho biết.
"Dường như tốc độ nới lỏng các hạn chế chống COVID không hề có dấu hiệu chậm lại bất chấp số ca nhiễm COVID ở Trung Quốc đại lục đang gia tăng."
Ở những nơi khác trên thế giới, đồng euro giảm 0,08% so với đồng đô la xuống còn 1,0626 USD/EUR.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc dần dần dỡ bỏ các chính sách không chống COVID – đã từng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế - có thể sẽ giúp đẩy tăng giá trị đồng euro - vốn đã tăng nhờ Ngân hàng Trung ương châu Âu áp dụng chính sách chống lại lạm phát cứng rắn hơn nhiều so với dự kiến của các nhà đầu tư.
Với việc các thị trường ở Vương quốc Anh đóng cửa nghỉ lễ, giao dịch bảng Anh gần như không có trong phiên vừa qua, khiến đồng bảng giảm so với đồng đô la xuống mức khoảng 1,2022 USD.
Dữ liệu được công bố vào thứ Sáu tuần trước cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 11 hầu như không tăng, trong khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể thu hẹp quy mô thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của mình.
Dữ liệu cho thấy người tiêu dùng Mỹ hy vọng áp lực giá cả sẽ giảm đáng kể trong năm tới, với một cuộc khảo sát cho thấy lạm phát trong tháng 12 ước tính giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng. Đây là con số quan trọng mà Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đề cập trong một cuộc họp báo của mình.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ tháng 11/2022 đã tăng 0,1%, thấp hơn đáng kể tăng 0,4% trong tháng 10. Trong 12 tháng tính đến tháng 11, chỉ số PCE của Mỹ tăng 5,5%, cũng giảm so với mức tăng 6,1% của 12 tháng tính đến tháng 10/2022.
Loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động thì chỉ số PCE tháng 11 tăng 0,2% sau khi tăng 0,3% trong tháng 10. Chỉ số PCE cốt lõi đã tăng 4,7% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 5% trong tháng 10. Fed theo dõi sát các chỉ số giá PCE để đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ của mình trong thời gian tiếp theo.
Một dữ liệu khác cho thấy số đơn đặt hàng mới đối với tư liệu sản xuất do Mỹ sản xuất đã tăng vừa phải trong tháng 11/2022, trong khi nhập khẩu cũng giảm, cho thấy chi tiêu kinh doanh cho thiết bị trong quý này chậm lại do chi phí vay cao tăng làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa.
Dữ liệu cũng cho thấy các đơn đặt hàng tư liệu sản xuất phi quốc phòng không bao gồm máy bay, một chỉ báo được theo dõi chặt chẽ cho các kế hoạch chi tiêu kinh doanh, đã tăng 0,2% trong tháng 11/2922.
Chiến lược gia Francesco Pesole của ING FX cho biết: "Theo xu hướng mang tính chất mùa vụ thì đồng bạc xanh thường yếu đi trong tháng 12". "Có một điều đáng nhớ là đồng đô la trong bốn năm qua đều tăng vào tháng Giêng. Quan điểm của chúng tôi về đầu năm 2023 vẫn là đồng đô la phục hồi."
Đồng yên Nhật giảm 0,44% so với đồng đô la xuống 133,45 JPY, mặc dù lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn của Nhật tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 7 năm rưỡi. Mặc dù giảm trong phiên này nhưng đồng yen đang hướng đến quý 4 phục hồi mạnh mẽ nhất so với USD kể từ 2008, với mức tăng 8,1%, sau quyết định bất ngờ vào tuần trước của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nhằm điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda hôm 26/12 đã bác bỏ khả năng kết thúc nhanh chóng chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình, ngay cả khi thị trường và các nhà hoạch định chính sách đang nhận thấy ngày càng có dấu hiệu rằng sẽ có những thay đổi xảy ra sau khi nhiệm kỳ của ông Kuroda kết thúc vào tháng 4 năm sau.
Các nhà phân tích của Wells Fargo cho biết: "Mặc dù việc điều chỉnh chính sách đã làm tăng thêm sự không chắc chắn về triển vọng chính sách của BOJ, nhưng chúng tôi tiếp tục nghiêng về phía các nhà hoạch định chính sách của BOJ sẽ không thực hiện thêm điều chỉnh chính sách nào cho đến cuối năm 2023". Theo đó "Áp lực lạm phát dự kiến sẽ giảm bớt, điều này sẽ làm giảm động lực của BOJ đối với các động thái chính sách tiếp theo."
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Đồng rúp Nga phiên vừa qua giảm mạnh, khoảng 3% so với USD, do thị trường phải đối mặt với triển vọng doanh thu xuất khẩu của Nga giảm do các hạn chế đối với mặt hàng dầu mỏ của nước này.
Đồng rúp đã mất giá khoảng 8% so với đồng đô la vào tuần trước và sắp kết thúc tháng giảm mạnh sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ và trần giá có hiệu lực.
Kết thúc phiên 27/12, rúp Nga giảm hơn 3% xuống 71,36 RUB/USD, quay trở lại mức thấp nhất trong gần 8 tháng là 72,6325 chạm tới vào tuần trước.
Hầu hết các tiền tệ châu Á đều tăng sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống COVID. Moh Siong Sim, chiến lược gia ngoại hối của Ngân hàng Singapore cho biết: "Chúng tôi đã thấy một số đồng tiền châu Á tăng giá do Trung Quốc mở cửa trở lại.
Đồng won Hàn Quốc và chỉ số chứng khoán của nước này tăng lần lượt 0,6% và 0,5% so với phiên liền trước.
Đồng đô la Singapore, baht Thái Lan và đồng ringgit Malaysia đồng loạt tăng từ 0,1% đến 0,2%.
Tính chung trong năm 2022, đồng đô la Singapore là đồng tiền châu Á duy nhất ghi nhận mức tăng giá, trong khi hầu hết các đồng tiền cùng loại đã giảm hơn 5% từ đầu năm đến nay.
Diễn biến tỷ giá đô la Singapore.
Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sau khi tăng lúc đầu phiên đã giảm trở lại vào cuối phiên, ở mức 6,9620 CNY/USD, sau khi dữ liệu cho thấy lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục giảm trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11 do các hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục giảm 0,4% xuống 16.731 USD, trong khi ether giảm 0,57% xuống còn 1.210,00 USD.
Giá Bitcoin ngày 27/12.
Giá vàng ổn định trên ngưỡng tâm lý quan trọng là 1.800 USD sau quyết định của Trung Quốc nới lỏng hơn nữa các hạn chế chống COVID-19. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.806,69 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 tăng 0,7% lên 1.816,70 USD.
Han Tan, trưởng bộ phận phân tích thị trường của Exinity, cho biết vàng đang biến động cùng chiều với các tài sản rủi ro.
Giá vàng đã tăng gần 200 đô la sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm vào cuối tháng 9, do kỳ vọng về việc tốc độ tăng lãi suất của Fed sẽ chậm lại.
Chiến lược gia Christopher Wong của OCBC FX cho biết: "Vàng giảm giá trong hầu hết năm 2022 trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ, lợi suất thực tế tăng và đồng đô la mạnh. Nhưng tình thế đã thay đổi khi Fed chuyển sang chế độ điều chỉnh chính sách".
Tham khảo: Refinitiv