Người nộp thuế phải tự xác định có thuộc đối tượng được gia hạn thuế hay không. Nếu tự xác định không đúng, người nộp thuế có thể sẽ đứng trước rủi ro bị phạt tiền chậm nộp khi cơ quan thuế rà soát lại.
Tại cuộc họp báo về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) giải thích việc chỉ giãn thời gian nộp thuế với một số nhóm ngành, không áp dụng với toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Gia hạn nộp thuế, miễn thuế tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 |
Theo ông Phạm Đình Thi, dự thảo nghị định chỉ gia hạn tiền thuế phát sinh, không gia hạn số nợ thuế. “Nếu gia hạn cả tiền nợ thì chúng ta đánh đồng doanh nghiệp chấp hành tốt với doanh nghiệp không chấp hành – là doanh nghiệp vẫn còn nợ thuế. Do đó, trong dự thảo có nêu rõ là gia hạn tiền thuế phát sinh phải nộp của các tháng có liệt kê” - ông Phạm Đình Thi nói
Tuy nhiên, quy định về thủ tục, trình tự, thẩm quyền giải quyết gia hạn đối với số thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất của người nộp thuế trong dự thảo lại còn điểm băn khoăn.
Đó là người nộp thuế chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng được gia hạn theo Nghị định này.
Tiếp theo, Dự thảo nêu rõ: Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Đáng chú ý, dự thảo viết rằng: Trường hợp trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế có cơ sở xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng gia hạn thì có văn bản thông báo cho người nộp thuế về việc dừng gia hạn và người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế, tiền thuê đất và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn nhưng không đúng đối tượng.
Trao đổi với một chuyên gia về thuế, vị này tỏ ra băn khoăn khi nội dung này có thể gây ra những khó khăn cho người nộp thuế. Bởi nếu họ không đủ kiến thức để xác định có thuộc đối tượng được gia hạn thuế hay không, thì họ có thể sẽ đứng trước rủi ro bị phạt tiền chậm nộp khi cơ quan thuế sau đó nói rằng họ không thuộc đối tượng được gia hạn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VietNamNet về nỗi băn khoăn này, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết dự thảo nghị định đã quy định rất rõ những ngành nghề được ưu đãi, hỗ trợ và chiểu theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg về ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
“Các doanh nghiệp đối chiếu theo quyết định này để xác định mình thuộc đối tượng được gia hạn hay không. Thực tế, chúng ta không lo doanh nghiệp không tiếp cận được thông tin, bỏ lỡ quyền lợi của mình bởi hiện nay hơn 90% doanh nghiệp đang kê khai và nộp thuế điện tử và tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật khá đầy đủ nên chắc chắn doanh nghiệp sẽ biết và nắm được để đến kê khai” - ông Lưu Đức Huy nói.
Vậy có nên quy định rõ thời gian cơ quan thuế ra kết quả kiểm tra doanh nghiệp có đáp ứng được điều kiện giãn thuế hay không? Ông Lưu Đức Huy trả lời: “Không nên”.
Bởi, theo đại diện Tổng cục Thuế, đối tượng được giãn thuế tại dự thảo Nghị định rất rộng. Riêng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã chiếm 93% số doanh nghiệp nộp thuế, ngoài ra còn các hộ, cá nhân kinh doanh. “Hiện cơ quan thuế quản lí theo tính chất rủi ro. Khi xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro thì cơ quan thuế mới tiến hành thanh tra, kiểm tra. Nếu quy định thời gian cơ quan thuế kiểm tra, thông báo xem doanh nghiệp có thuộc đối tượng giãn thuế hay không thì không thể làm hết được. Cho nên không thể quy định thời gian cơ quan thuế kiểm tra, ra thông báo được (doanh nghiệp phải tự xác định mình có thuộc đối tượng giãn thuế hay không - PV)”, ông Lưu Đức Huy chia sẻ.
Đại diện Tổng cục Thuế tiếp tục khẳng định: Nếu sau khi cơ quan thuế rà soát thấy người nộp thuế không thuộc đối tượng được giãn thuế, thì sẽ bị tính thêm tiền chậm nộp theo quy định pháp luật.
Như VietNamnet đã đưa tin, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Theo đó, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng 5 tháng đối với số thuế phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 (nộp thuế trong tháng 4 đến tháng 7).
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020 của cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh hoạt động trong một số ngành kinh tế. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này trước ngày 15/12/2020.
Việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất sẽ áp dụng cho một số đối tượng sau: |
Một là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm; Dệt; Sản xuất trang phục; Sản xuất giày, dép; Sản xuất sản phẩm từ cao su; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; Sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống). Hai là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động kinh doanh trong các ngành vận tải đường sắt; Vận tải đường bộ; Vận tải đường thủy; Vận tải hàng không; Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; Dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch. Ba là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
Lương Bằng