Theo chương trình thị thực "ngôi nhà thứ hai" mới, người nước ngoài có thể ở lại trong 5 năm hoặc 10 năm và thực hiện các hoạt động khác nhau miễn là họ đáp ứng các yêu cầu theo quy định của chính phủ Indonesia.
Theo đó, người nước ngoài muốn đến Bali sinh sống phải có ít nhất 2 tỷ rupiah (tương đương 128.400 USD) trong tài khoản ngân hàng và hộ chiếu còn hạn ít nhất 36 tháng.
Ông Widodo Ekatjahjana, Quyền Tổng 1phụ trách nhập cư của Indonesia, cho biết: "Mục đích của chính sách này là thu hút khách du lịch nước ngoài đến Bali và các điểm đến khác".
Thông tin này được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Indonesia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm 20 (G20) vào giữa tháng 11. Đây là dịp để hàng nghìn đại biểu đến Bali gặp gỡ và trao đổi.
Khách du lịch tại một bãi biển ở Bali vào ngày 21 tháng 8 năm 2022. Ảnh: CNA
Ông Ekatjahjana cho biết thêm: "Chính sách nhập cư này là một trong những biện pháp khuyến khích phi tài khóa đề khuyến khích một số người nước ngoài ở lại và đóng góp tích cực cho nền kinh tế Indonesia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng năng động".
Bali phụ thuộc vào khách du lịch, là tỉnh của Indonesia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Nền kinh tế giảm 9,31% vào năm 2020 và 2,47% vào năm ngoái.
Với việc Bali mở cửa trở lại vào cuối năm ngoái và hội nghị thượng đỉnh G20, Ngân hàng Trung ương Indonesia hy vọng nền kinh tế của họ sẽ tăng trưởng từ 3,8% đến 4,6% trong năm nay.
Ông Putu Winastra, người đứng đầu Cơ quan Du lịch và Lữ hành Indonesia tại Bali, cho biết ông không rõ chính sách mới sẽ giúp thúc đẩy du lịch trên đảo cụ thể như thế nào.
Ông Winastra nói với CNA: "Thị thực quê hương thứ hai sẽ được cấp cho những người ở lại Bali trong thời gian dài. Những du khách nước ngoài sẽ không cần chúng tôi vì họ sẽ không ở trong khách sạn".
Quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày 25-12 năm nay.