Ưu đãi thuế tại đặc khu sẽ tạo “vùng trũng” cho doanh nghiệp né thuế?

24/05/2018 19:57
Nhiều chuyên gia lo ngại các chính sách ưu đãi thuế trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ tạo ra “vùng trũng” cho DN né thuế.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) đang chờ Quốc hội phê duyệt tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý chính thức cho sự ra đời và phát triển của ba đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Sau khi được thành lập, các đặc khu này sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế, đồng thời, đây cũng sẽ là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, những chính sách ưu đãi đặc biệt, trong đó có ưu đãi thuế chưa từng có tiền lệ để thu hút đầu tư.

Nguy cơ tạo thành “vùng trũng” về thuế

Đánh giá về những ưu đãi thuế trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cấp cao chương trình quản trị của tổ chức Oxfam cho rằng, những ưu đãi của Chính phủ về thuế trong đặc khu kinh tế chưa thực sự phù hợp.

Ưu đãi thuế tại đặc khu sẽ tạo “vùng trũng” cho doanh nghiệp né thuế? - Ảnh 1.

Ưu đãi về thuế không nên là ưu tiên hàng đầu tại các đặc khu kinh tế (Ảnh minh họa: KT)


Theo bà Nguyễn Thu Hương, những bất bình đẳng trong nghĩa vụ đóng thuế đang là một trong những nguyên nhân khiến vấn đề bất bình đẳng toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Người dân và những DN nhỏ đang phải cõng gánh nặng thuế thay cho các DN, tập đoàn lớn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới 45,9% lợi nhuận toàn bộ các loại hình doanh nghiệp, bộ phận này lại đóng số thuế thấp nhất trong các thành phần kinh tế.

Đại diện Oxfam cho rằng, các chính sách ưu đãi thuế trong dự thảo là không cần thiết vì các lĩnh vực ưu đãi không có gì mới so với những lĩnh vực Chính phủ đã ưu đãi ở các luật khác.

“Các ngành công nghiệp nằm trong đề xuất ưu tiên của các đặc khu gần như trùng lặp với các ngành ưu tiên của các Khu công nghệ cao và các Khu kinh tế khác đã triển khai ở Việt Nam. Do đó, các ưu đãi thuế của dự thảo Luật này sẽ làm nảy sinh nguy cơ tạo ra một “vùng trũng” tại các đặc khu và chỉ thu hút được chính các nhà đầu tư tiềm năng hiện có, chứ không thu hút những nhà đầu tư mới hoàn toàn. Những DN đã và đang xem xét đầu tư vào các vùng khác của Việt Nam sẽ chuyển đầu tư vào đặc khu thay vì đầu tư vào vùng khác”, bà Hương chỉ rõ.

Ngoài ra, ưu đãi cao hơn về thuế trong đặc khu sẽ đặt các DN bên ngoài đặc khu thêm phần bất lợi, lâu dài sẽ làm thiệt hại tới tổng thể nền kinh tế Việt Nam.

“Các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam thất thu 100 tỷ USD/năm do các hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Chúng tôi lo ngại Dự thảo Luật sẽ tạo ra một “vùng trũng” về thuế ngay trong chính Việt Nam, không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đa quốc gia chuyển giá, mà chính các DN Việt Nam có thể né thuế bằng cách chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp nằm ngoài đặc khu sang các DN trong đặc khu”, bà Nguyễn Thu Hương lo ngại.

Cần xem xét cẩn trọng

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các chính sách ưu đãi được đề xuất trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đều là những ưu đãi dựa trên lợi nhuận mà nhiều quốc gia không còn sử dụng nữa. Hiện hầu hết các quốc gia trên thế giới đã bỏ hết ưu đãi thuế thu nhập DN, thay vào đó chuyển sang ưu đãi bằng sự thông thoáng trong tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường…

Ưu đãi thuế tại đặc khu sẽ tạo “vùng trũng” cho doanh nghiệp né thuế? - Ảnh 2.

Bắc Vân Phong - nơi được kỳ vọng sẽ trở thành đặc khu kinh tế nếu được Quốc hội thông qua vào tháng 10. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)


“Trong 30 năm thu hút đầu tư, Việt Nam chưa có một đánh giá đầy đủ về ưu đãi thuế đã đưa ra tạo được lực hút như thế nào. Giờ ở các đặc khu, chúng ta lại có ưu đãi thuế lớn hơn so với các doanh nghiệp FDI. Điều này có nên hay không? Chúng ta nên thận trọng từ khi xem xét về Luật Đặc khu kinh tế để có sự hoàn chỉnh, đồng bộ đối với hoạt động của đặc khu trong tương lai. Những đặc khu phải trở thành động lực kinh tế lớn trong vài chục năm chứ không phải 2, 3 năm”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nhấn mạnh.

PGS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính và cơ quan thuế cần nghiên cứu, rà soát lại toàn bộ những ưu đãi đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài để từ đó có những chính sách phù hợp với thế giới.

“Việc chuyển giá đã rất trầm trọng ở Việt Nam trong thời gian qua, nếu chúng ta tạo ra những vùng trũng về mặt chính sách thuế, thì chuyển giá có thể sẽ tiếp tục trở thành bệnh nan y không chỉ là đối với thuế, mà trở thành bệnh nan y với cả nền kinh tế. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm mọi cách để chuyển giá dưới các hình thức khác nhau”, ông Thịnh lo ngại.

Một vấn đề cũng khiến nhiều chuyên gia băn khoăn là các ngành mới được hưởng ưu đãi thuế trong dự thảo là bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, sòng bạc. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về mục tiêu chính sách, bởi chưa có ưu đãi mà các ngành này đã thu hút đầu tư mạnh mẽ và rất nhiều các khu du lịch, khách sạn, resort đã được đầu tư ở Phú Quốc, Vân Đồn, Quảng Ninh. Theo bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ưu đãi cho những ngành này là ưu đãi thừa. Trong khi đó, Việt Nam cần nhất là công nghệ cao thì chưa thu hút được.

“Đặc khu kinh tế là một phòng thí nghiệm về thể chế. Chúng ta đưa ra thể chế mới là thể chế gì, nhất là trong điều kiện đang cải thiện mạnh mẽ về thể chế để đảm bảo tương ứng với các cam kết hội nhập mà Việt Nam tham gia. Việt Nam rất cần thể nghiệm đặc khu kinh tế ở cái đó, chứ không phải đưa ra hàng loạt ưu đãi”, bà Lan khẳng định./.


Tin mới

Xuất khẩu hồ tiêu tăng giá trị đến 48%
42 phút trước
So với cùng kỳ năm trước, dù lượng xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu lại tăng đến 48%.
"Mỏ vàng" giúp Việt Nam hốt bạc từ Á sang Âu: Thu về hơn 211.000 tỷ đồng chỉ trong 10 tháng
23 phút trước
Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này, kế hoạch của Việt Nam đối với ngành kinh tế này chắc chắn sẽ đạt được.
[Trên Ghế 39] ‘Mua xe điện Trung Quốc không có trạm sạc thà mua xe xăng còn hơn, quá nhiều rủi ro'
43 phút trước
Nhà báo Lê Tùng Anh cho rằng, việc mua một mẫu xe điện Trung Quốc không có hạ tầng trạm sạc sẽ không có ý nghĩa gì trong chuyển đổi xanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Khách VIP của Thế Giới Di Động sướng thế nào: dán màn hình chỉ mất 10.000đ, vệ sinh máy lạnh giá 30.000đ, thay lọc nước 20.000 đồng dịp cuối năm này
2 giờ trước
Đây là những ưu đãi trong chương trình tri ân đặc biệt của nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam với 1 triệu khách hàng thân thiết dịp cuối năm này.
Cận cảnh phiên bản 2025 của mẫu tay ga được chị em săn đón, giá từ 39,5 triệu đồng
2 giờ trước
Bên cạnh nhiều màu sắc mới, Honda Lead 2025 còn được trang bị phanh ABS an toàn.

Tin cùng chuyên mục

Hàng 'made in China' trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế mạnh tay - Quốc gia nào dễ trở thành 'thủ phủ' sản xuất iPhone?
8 giờ trước
Quốc gia châu Á này có thể được hưởng lợi lớn trong các lĩnh vực như điện tử, đặc biệt là sản xuất iPhone.
Giá USD hôm nay 12/11: Thế giới đạt đỉnh 4 tháng, "tỷ giá" chợ đen tăng 50 đồng
1 ngày trước
Giá USD hôm nay 12/11 trên thế giới tăng phi mã, vượt ngưỡng 105 điểm. Trong nước, giá USD ngân hàng bán vẫn bám sát mức trần được nhà nước cho phép; tỷ giá "chợ đen" tăng 50 đồng, hiện đang ở mức 25.570 - 25.670 VND.
Điện máy tung "bình mới rượu cũ"
2 ngày trước
Mới đây, chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động tiếp tục tung ra chính sách "mua trả chậm", được cho là bước tiến mới của mua trả góp.
Sếp Tổng cục Thuế: Sàn Temu đã kê khai thuế nhưng “ghi doanh thu bằng 0”, cơ quan thuế đang giám sát
3 ngày trước
Đây là thông tin mới nhất được lãnh đạo Tổng cục Thuế đưa ra khi trả lời báo chí về xử lý các vấn đề liên quan đến đăng ký mã số thuế và báo cáo doanh thu tự nộp của sàn này ở Việt Nam.