Trong văn bản báo cáo Thủ tướng về chiến lược phát triển ngành thép đến 2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ Công Thương tính toán tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp và ôtô lớn nhất, đều là 120 tỷ USD, tiếp đến là giao thông đường sắt (35 tỷ USD), tiếp theo là cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến (15 tỷ USD); cuối cùng là thiết bị tiêu chuẩn và tàu điện ngầm đều là 10 tỷ USD.
Bộ Công Thương cho rằng sức cầu từ ngành chế tạo như vừa nêu là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc mà hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong hoạt động sản xuất thép nội địa.
Đi kèm với định hướng vị trí đầu tư, Bộ Công Thương cũng tính đến việc sử dụng công nghệ trong đầu tư sản xuất ngành thép thời gian tới phải là công nghệ và thiết bị mới, tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, năng suất cao, thân thiện với môi trường và từng bước khắc phục, thay thế và loại bỏ các dự án sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu.
Trước nhu cầu vừa nêu, Bộ Công Thương dự kiến thu hút doanh nghiệp sản xuất thép đầu tư, phát triển tập trung ở vùng duyên hải miền Trung, nơi có nhiều cảng nước sâu, có nguồn năng lượng tái tạo tương đối dồi dào (tiêu thụ năng lượng tại chỗ), quỹ đất còn nhiều và chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng thấp. Tiếp theo là vùng Đồng bằng sông Hồng, nơi tập trung đông dân cư, có nhu cầu tiêu thụ lớn và hạ tầng giao thông đường biển, đường bộ, đường sắt phát triển.
Theo đó, Nhà nước cũng sẽ có các chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để khuyến khích, thúc đẩy các dự án thép phát triển, nhằm hình thành, phát triển mạnh ngành luyện kim, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Riêng về nguyên liệu sẽ tận dụng nguồn tài nguyên, khoáng sản hiện có để chế biến sâu các loại kim loại màu như Crom, Niken, Titan, Wonfram, Mangan… nhằm chế tạo các loại hợp kim có tính chất cơ lý hóa đặc biệt.
Với từng loại sản phẩm thép cụ thể, chiến lược cũng đề xuất những định hướng nhất định, trong đó, đối với HRC sẽ được đầu tư các dự án mới với quy mô lớn.
Các loại thép cơ bản phục vụ ngành cơ khí, chế biến chế tạo được định hướng sản xuất trong các khu liên hợp thép lớn được xây dựng ở khu vực có cảng nước sâu, thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu đầu vào và thành phẩm.
Đối với thép hợp kim và đặc biệt phục vụ ngành cơ khí, Bộ Công Thương cho rằng đây là các loại vật liệu hợp kim có quy trình sản xuất với công nghệ riêng biệt và phức tạp so với các chủng loại thép thông thường. Thêm nữa, các loại mác thép cao cấp này đa dạng về chủng loại do yêu cầu của từng phân ngành cơ khí chế tạo là khác nhau. Tuy nhiên, những mác thép này có số lượng không thực sự lớn, với quy trình sản xuất phức tạp nên có chi phí nghiên cứu và phát triển rất lớn, chi phí đầu tư và giá thành sản xuất cao nếu được sản xuất riêng biệt. Do đó, các loại thép này thường được sản xuất lồng ghép trong các nhà máy liên hợp lớn nhằm đảm bảo giá thành cạnh tranh.
Ngoài ra, một số loại thép có các yêu cầu tính cơ lý hóa, đặc biệt có bổ sung thêm một số kim loại màu để thay đổi cơ lý hóa như Crom, Ni, Mn, Ti, W, Mo,Si… Ví dụ như chi tiết trong các loại động cơ, thép bột phục vụ sản xuất linh kiện phụ tùng theo hình thức in 3D, khuôn ép nhỏ áp lực lớn có thể được sản xuất bởi doanh nghiệp chuyên ngành trong lĩnh vực vật liệu thường có quy trình sản xuất với các bí quyết công nghệ cao và giá thành cao. Tuy nhiên, thị trường các loại thép đặc biệt này có dung lượng thị trường nhỏ, thường mang tính chất cá biệt của từng khách hàng.
Với đặc điểm ngành thép như vừa nêu, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp luyện kim có quy mô lớn trong đó tập trung vào sản xuất các loại thép chế biến chế tạo có trình độ công nghệ có dung lượng thị trường lớn để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất các loại thép chế biến chế tạo cơ bản. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sản xuất các mác thép đặc biệt và hợp kim có chất lượng cao phục vụ nhằm nhu cầu đa dạng ngành cơ khí, chế biến chế tạo.
Liên quan đến định hướng phát triển ngành thép giai đoạn tới, tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Công Thương và Hiệp hội, doanh nghiệp ngành thép trước đó, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài đề xuất xây dựng nhà sản xuất thép thương hiệu Việt xứng tầm với quy mô trong khu vực cũng như trên thế giới. Theo đó, khuyến khích các nhà đầu tư mới đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép tại các vùng duyên hải, có cảng nước sâu (đảm bảo nguồn cung thép HRC cho tiêu thụ trong nước).
Riêng với việc phát triển thị trường, Cục trưởng Trương Thanh Hoài hy vọng mở rộng các thị trường nước ngoài đối với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và sản phẩm thép có giá trị gia tăng trong nước cao.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra một số định hướng đối với ngành thép, trong đó có việc tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và hình thành thị trường nguyên liệu thép lành mạnh.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Thép phải vươn lên làm vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đồng thời đóng vai trò trọng tài để góp phần bình ổn thị trường thép, bảo đảm quyền lợi của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đồng thời, từng doanh nghiệp trong ngành sản xuất thép phải mạnh mẽ hơn trong tái cấu trúc doanh nghiệp của mình, xây dựng được các chiến lược phát triển trong ngắn hạn và dài hạn.
Thêm nữa từng bước hình thành quỹ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của các doanh nghiệp trong ngành thép để nghiên cứu đầu tư vào các phòng thí nghiệm, sản xuất ra những mặt hàng thép đặc biệt, đáp ứng được nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp chế tạo khác.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng phải từng bước hình thành chuỗi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sau thép đặc biệt, không chỉ dừng lại nguyên liệu mà còn có thể là thành phẩm.