14/15 chỉ tiêu đạt và vượt
Sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo báo cáo của Chính phủ, cả năm 2022 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Trong đó, vượt 6 chỉ tiêu đề ra, nhất là về tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%).
“Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, ước cả năm GDP tăng trưởng cao hơn kế hoạch, được các tổ chức quốc tế có uy tín đồng thuận đánh giá cao. Thu ngân sách nhà nước ước cả năm vượt 14,3% so với dự toán”, báo cáo của Chính phủ nêu.
Ngoài ra, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, hạn mức tăng trưởng tín dụng được điều hành phù hợp, hướng tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5%. Vốn FDI thực hiện ước đạt 21-22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4-11,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước tăng 10,7%…
Bên cạnh những mặt tích cực, Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại và khó khăn. Theo đó, xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực tại một số địa phương là trung tâm công nghiệp trọng điểm, áp lực lớn lạm phát từ bên ngoài; nghỉ việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng.
Có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế cho rằng tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là Quý III cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp (Quý III/2021 GDP giảm hơn 6%).
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Việc “phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên” không thực hiện được, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Cũng theo Uỷ ban Kinh tế, việc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước còn chưa sát, số tăng thu dự kiến lớn (ước vượt 14,3% dự toán), vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương chưa được bảo đảm.
Ngoài ra, mặc dù giải ngân thực hiện FDI rất tích cực dự kiến cả năm đạt khoảng 21-22 tỷ USD nhưng thu hút FDI 9 tháng giảm 15,3% so với cùng kỳ, nhất là vốn đăng ký cấp mới chỉ bằng 57%… Cũng theo báo cáo thẩm tra, mặc dù doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại trong 9 tháng năm 2022 tăng cao (38,6% so với cùng kỳ năm 2021), nhưng những doanh nghiệp mới chưa đóng góp nhiều cho nền kinh tế.
Trong khi đó doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, 9 tháng năm 2022 bình quân mỗi tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 (8,5 nghìn doanh nghiệp) và năm 2021 (gần 10 nghìn doanh nghiệp).
Liên quan đến thị trường vốn, Uỷ ban Kinh tế đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD, nhất là tới tiềm lực dự trữ ngoại hối và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác.
Cũng theo Uỷ ban Kinh tế, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro.
Dẫn chững cho đánh giá trên, theo Uỷ ban Kinh tế, kết thúc phiên ngày 7/10/2022, chứng khoán Việt Nam đã giảm 484 điểm, tương ứng 31,8% từ đỉnh (ngày 6/1/2022), là thị trường có mức giảm mạnh nhất thế giới. VN-Index hiện đang ở mức thấp nhất kể từ phiên ngày 10/12/2020. HNX-Index và UPCoM-Index cũng đang ghi nhận mức điểm thấp nhất trong gần hai năm trở lại đây.
Bên cạnh đó theo Uỷ ban Kinh tế, vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu đã xảy ra trong năm đang được xã hội, người dân rất quan tâm.
Liên quan đến thị trường bất động sản, theo Uỷ ban Kinh tế, thị trường có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo. Rủi ro liên thông giữa thị trường vốn với hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản gia tăng.