Sáng 20/5, Quốc hội khai mạc phiên toàn thể kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV. Quốc hội nghe báo cáo về Phát triển Kinh tế- xã hội và các Báo cáo thẩm tra do lãnh đạo Chính phủ và Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trình bày.
Tại Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Năm 2023 kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế. So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng lưu ý một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, chậm được cải thiện.
"Tăng trưởng kinh tế 2023 không đạt mục tiêu, tạo thách thức rất lớn cho mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025; chỉ tiêu tăng NSLĐ xã hội năm thứ 3 không đạt", Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh và đánh mất vai trò động lực chính của tăng trưởng trong khi khu vực dịch vụ chưa chứng tỏ được vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng.
Bên cạnh đó, thu ngân sách chưa bền vững; phân tích dự báo thu chưa sát, ảnh hưởng đến chất lượng dự toán; nợ đọng thuế còn cao; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp khó khăn, vướng mắc; việc chuyển nguồn, hủy dự toán khi hết năm ngân sách lớn, trình phương án phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi chậm.
Trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Ông Thanh cũng cho rằng, cần có giải pháp hiệu quả tháo gỡ điểm nghẽn về năng suất lao động; thúc đẩy chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ; triển khai nhanh, hiệu quả Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Uỷ ban Kịnh tế Quốc hội cũng yêu cầu, tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại; tích cực thu hồi nợ thuế; điều hành chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, cải cách tiền lương, an sinh xã hội; chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối NSNN, bội chi, nợ công; tiết kiệm chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng NSNN.
Ngoài các vấn đề liên quan đến về doanh nghiệp phá sản, khó khăn tăng cao, giá vé máy bay đắt đỏ, tỷ giá và bất cập của thị trường vàng, trái phiếu doanh nghiệp…, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh đến bất ổn của thị trường bất động sản.
Cụ thể, Uỷ ban Kinh tế khẳng định: Thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra; doanh nghiệp bất động tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.
Xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy, trong đó người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ).
"Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế", Chủ nhiệm UBKT nhấn mạnh.
Theo ông Thanh, xu hướng tăng giá nhà, đất khiến người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn.
Do đó, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về cải cách thủ tục hành chính, Uỷ ban Kinh tế cho biết còn một số tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính.
"Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc vẫn diễn ra", Chủ nhiệm UBKT nhấn mạnh.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục.