Góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Nguyễn Đức Hải cho rằng việc ban hành nghị quyết là cần thiết nhưng cần thận trọng và phải có đánh giá, tổng kết trước khi áp dụng trong thời gian dài.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra. |
Theo đó, Ủy ban đề nghị dự thảo bỏ quy định giảm 50% thuế thu nhập cá nhân, trước đó được địa phương đề xuất để thu hút nhân tài. Lý do là chính sách thuế cần được thực hiện thống nhất theo quy định của luật thuế. Việc quy định riêng cho từng thành phố sẽ không đảm bảo công bằng với những địa phương khác trên cả nước, đặc biệt là TP HCM và Hà Nội. Chưa kể, điều này còn tạo tiền lệ không tốt và tác động đến việc cân đối ngân sách giữa các địa phương và Trung ương.
Tương tự, Ủy ban cũng đề nghị bỏ quy định các dự án đầu tư tại thành phố được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, trong thời gian 15 năm. Trước đó, dự thảo đề xuất, các dự án đầu tư tại thành phố được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 tháng tiếp theo, kể từ khi có thuế thu nhập doanh nghiệp. Quy định này áp dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và các dự án đầu tư vào khu hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố.
Cũng liên quan đến hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, ông Hải lưu ý việc thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo phải đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định 38/2018, bởi quỹ này được góp vốn từ những nhà đầu tư tư nhân.
Ngoài ra, đa số ý kiến thành viên Ủy ban nhất trí với tờ trình của Chính phủ là tổng mức dư nợ vay của Đà Nẵng không quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp thay vì chỉ 40% như hiện nay. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Đà Nẵng có thêm dư địa vay và phù hợp với định hướng cơ chế chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì được cấp phát như bây giờ. Đồng thời, việc nới quy định còn đáp ứng nhu cầu vay lại vốn nước ngoài đã ký hiệp định hoặc dự kiến kêu gọi vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ để thực hiện đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của thành phố.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách còn đề nghị đổi tên Nghị quyết thành: “Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức mô hình chính quyền đô thị để phát triển thành phố Đà Nẵng”, để bao quát 2 nhóm chính sách chính của Nghị quyết và làm rõ việc thí điểm thực hiện chính sách.
Sau khi Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm định sơ bộ dự thảo, Ủy ban sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến. Trường hợp Nghị quyết được thông qua, thành phố Đà Nẵng sẽ áp dụng cơ chế đặc thù từ 2021 và trong thời gian là 5 năm.
Trước đó, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Dự thảo quy định 2 nhóm chính sách lớn, gồm thực hiện cơ chế chính sách trên các lĩnh vực quản lý về quy hoạch, huy động vốn đầu tư, tài chính, ngân sách, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; nghiên cứu và phát triển và thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Khi được thông qua, Đà Nẵng là địa phương thứ 3 được áp dụng cơ chế đặc thù sao TP HCM và Hà Nội.