Trong tờ trình về phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ muốn sử dụng 4.069 tỷ USD từ nguồn 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia để trả nợ giải phóng mặt bằng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (5B).
Thay mặt Chính phủ đọc tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Việc dành một phần vốn NSTW từ nguồn 10.000 tỷ đồng để thanh toán nợ hỗ trợ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo cam kết trước đây của Chính phủ là khả thi, thuộc nghĩa vụ của NSTW, phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội và nhằm triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về Đề án Tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam".
Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban TCNS Quốc hội cho rằng qua rà soát các Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban TCNS nhận thấy phương án bố trí của Chính phủ chưa đảm bảo trật tự ưu tiên cho dự án gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
"Trong khi đó, bố trí trên 40% tổng số vốn thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là chưa hợp lý", ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS, đọc báo cáo thẩm tra.
Ông Hải cũng dẫn việc UBTVQH xem xét, kết luận rõ ràng, cụ thể tại phiên họp thứ 33, 34 và phiên họp ngày 24/5/2019, theo đó thống nhất về nguyên tắc danh mục sử dụng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng như Tờ trình của Chính phủ, trừ dự án thanh toán nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
"Ủy ban TCNS cho rằng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 Luật Tổ chức Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của UBTVQH . Do đó, đề nghị Chính phủ thực hiện theo đúng nội dung Kết luận của UBTVQH", ông Hải nhấn mạnh.