Đây là nhận định của ông Albert Bourla, Chủ tịch kiêm CEO của hãng dược Pfizer, trong cuộc phỏng vấn với ABC News.
"Tôi không nghĩ điều này đồng nghĩa với việc biến thể mới không xuất hiện nữa. Tuy nhiên, tôi cũng không nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta sẽ trở lại bình thường mà không cần tiêm chủng", Bourla nói.
Không chỉ riêng Bourla, trước đó, CEO Moderna Stéphane Bancel cũng đưa ra dự đoán cuộc sống sẽ trở lại bình thường trong vòng 1 năm tới. Tuy nhiên, Bourla nói rõ hơn rằng để cuộc sống trở lại bình thường, có thể chúng ta sẽ phải tiêm vắc xin Covid-19 hàng năm.
"Theo quan điểm của tôi, kịch bản tiềm năng nhất chính là những biến thể mới, sẽ tiếp tục xuất hiện, bởi virus này lây lan quá rộng trên quy mô toàn cầu. Ngoài ra, chúng ta sẽ có vắc xin với thời hạn sử dụng một năm. Đó là điều khiến tôi nghĩ rằng chúng ta phải tiêm vắc xin hàng năm. Tuy nhiên, chúng tôi chưa chắc chắn lắm. Cần chờ đợi và xem xét số liệu để khẳng định điều đó", Bourla nói.
Cuối tuần trước, Tiến sĩ Rochelle Walensky, người đứng đầu trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã cho phép tiêm mũi vắc xin tăng cường cho người lớn tuổi và người lớn có các bệnh lý nền ít nhất 6 tháng sau khi họ tiêm xong mũi thứ 2.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang phản đối mạnh mẽ việc triển khai rộng rãi các mũi tiêm nhắc lại. Cơ quan này cho rằng các nước giàu nên viện trợ thêm liều cho các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Trước vấn đề này, Bourla không đồng quan điểm. Theo vị lãnh đạo của Pfizer, sẽ không đúng khi ai đó chọn phê duyệt hay từ chối việc tiêm mũi tăng cường vì bất cứ lý nào khác ngoài sự cần thiết của chúng. Theo đó, ông Bourla tin rằng nếu tiêm thêm là cần thiết, chẳng có lý do gì để không làm điều đó.
Tuần trước, Tom Frieden, cựu lãnh đạo CDC, đã chỉ trích Moderna và Pfizer vì không chia sẻ tài sản trí tuệ về tiêm chủng một cách rộng rãi hơn để giúp đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu. "Trong khi tập trung vào việc bán vắc xin đắt tiền cho các nước giàu, Moderna và Pfizer đã không làm gì để thu hẹp những chênh lệch trên quy mô toàn cầu về nguồn cung và sự phân bổ vắc xin. Thật đáng xấu hổ", ông Frieden nói.
Tuy nhiên, Bourla đã lên tiếng bảo vệ mình. "Tài sản sở hữu trí tuệ là thứ giúp cho khoa học phát triển mạnh và sẵn sàng đối phó khi đại dịch xảy ra. Nếu không có điều đó, chúng ta không có mặt ở đây về thảo luận về việc chúng ta sẽ làm gì bởi chúng ta chưa có vắc xin. Ngoài ra, chúng tôi rất tự hào về những gì mình làm. Tôi không biết vì sao ông Frieden lại dùng những từ ngữ như vậy. Chúng tôi rất tự hào. Chúng tôi đã cứu hàng triệu mạng người", Bourla nói.
Hiện tại, Pfizer đang bán vắc xin với các mức giá khác nhau cho các nước có độ giàu có khác nhau. Theo ông Bourla, các nước đang phát triển được mua vắc xin của Pfizer với giá rẻ. Ngoài ra, công ty này còn đang bán 1 tỷ liều vắc xin cho Chính phủ Mỹ với giá gốc. Sau đó, Chính phủ Mỹ đem tặng những liều vắc xin này, hoàn toàn miễn phí, cho những quốc gia khó khăn nhất trên khắp thế giới.
Tham khảo: CNBC