Vắc xin và thị trường vắc xin
Vắc xin là một trong những cách hiệu quả nhất về chi phí để ngăn ngừa bệnh tật và tử vong do các bệnh truyền nhiễm và đã trở thành công cụ cơ bản của cộng đồng y tế toàn cầu trong cuộc chiến bảo vệ và cải thiện sức khỏe cho người dân. Thị trường vắc xin đã phát triển nhanh chóng từ những năm 1970, chủ yếu do nhu cầu ở các nước thu nhập thấp và các nước thu nhập trung bình. Mặc dù có thể mang lại rất nhiều lợi nhuận, nhưng thị trường vắc xin cũng vô cùng phức tạp và có tính liên kết với nhau, phản ánh những khó khăn trong nghiên cứu và phát triển vắc xin, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ và sự phức tạp của cung và cầu được tạo ra do ảnh hưởng của các tác nhân tham gia thị trường. Những phức tạp vốn có trên thị trường vắc xin càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh hiện nay khi thế giới đang tìm kiếm vắc xin COVID-19.
Một đặc điểm chính của thị trường vắc xin toàn cầu là tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ. Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt ở các nước phát triển có xu hướng dẫn đến hạn chế cạnh tranh trên thị trường vắc xin và tạo ra giá cao hơn, đồng thời cũng gây ra thiếu hụt nguồn cung. Thách thức chính trên thị trường vắc xin là trong khi các nhà sản xuất được thúc đẩy bởi tiềm năng lợi nhuận và lợi ích của cổ đông, thì chính phủ lại hành động vì ưu tiên sức khỏe cộng đồng. Các nhà sản xuất, các tập đoàn đa quốc gia và các công ty phân phối đều tìm kiếm lợi nhuận nhưng theo những cách khác nhau. Các nhà sản xuất đi tiên phong tìm kiếm các thị trường có dung lượng nhỏ, tỷ suất lợi nhuận cao hơn, trong khi đó các nhà sản xuất đi sau lại tìm kiếm các thị trường có dung lượng lớn hơn, tỷ suất lợi nhuận thấp hơn.
Xét trên nhiều khía cạnh, quy trình phát triển và phân phối vắc xin Covid-19 cũng phù hợp với thực trạng chung của ngành vắc xin. Nhưng do tính nghiêm trọng và cấp bách của đại dịch lần này, các mục tiêu ưu tiên của các nhà sản xuất và chính phủ đã gặp nhau khi cả hai đã đồng thời hướng đến thực hiện cùng một đích. Cho đến nay, ước tính chính phủ các nước đã đầu tư lên tới 10 tỷ đô la cho việc phát triển vắc xin Covid-19. Mặc dù khoản đầu tư này là lớn chưa từng có trong lịch sử, nhưng thực sự lại quá nhỏ bé khi so sánh với 7 nghìn tỷ USD mà các chính phủ trên thế giới cam kết để ứng phó tác động kinh tế của đại dịch. Đồng thời, trong thời gian vừa qua các nhà sản xuất vắc xin đã hợp tác với nhau theo cách chưa từng có tiền lệ để trao đổi "thông tin kỹ thuật" về quy trình sản xuất và nền tảng phương pháp điều trị Covid-19. Đồng thời, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đang nỗ lực triển khai COVAX (cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu) nhằm tăng tốc phát triển và sản xuất vắc xin Covid-19, huy động nguồn tài trợ để đảm bảo đủ số vắc xin cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Tác động kinh tế của Vắc xin
Đại dịch đã tạo ra những thách thức kinh tế đáng kể từ đầu năm 2020, gây ra một cuộc suy thoái ngắn nhưng rất dốc.
Bắt đầu từ cuối năm ngoái, nền kinh tế toàn cầu đã dần hồi phục và việc phát triển nhanh chóng các loại vắc xin có mức độ miễn dịch cao đối với Covid-19 đã đóng một vai trò quan trọng nhất. Các chương trình vắc xin là một khoản đầu tư vào nguồn nhân lực của một quốc gia, góp phần quan trọng cải thiện sức khỏe cộng đồng và hiệu suất công việc. Lợi tức kinh tế hàng năm từ việc tiêm chủng đã được "Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng" ước tính là từ 12% đến 18%. Một số nhà nghiên cứu cho biết tác động của tiêm chủng đối với tăng trưởng kinh tế được cải thiện trong khoảng thời gian 5 năm, mỗi năm giúp tăng trưởng kinh tế tăng thêm từ 0,3-0,5 điểm %. Thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều nước cũng phản ứng với tin tức về việc tiêm chủng thông qua việc thiết lập các mức cao kỷ lục. Trong suốt lịch sử, nhiều minh chứng cho thấy các lợi ích kinh tế đã được thực hiện nhờ một số bệnh được giảm bớt hoặc loại bỏ đáng kể từ tiêm chủng. Chẳng hạn, vào năm 1967 Tổ chức Y tế Thế giới phát động một chương trình tiêm chủng toàn cầu và đến năm 1980, căn bệnh đậu mùa đã được loại bỏ, nỗ lực này tiêu tốn 100 triệu đô la nhưng rất xứng đáng cả vì lý do nhân đạo và kinh tế với con số tiết kiệm cho thế giới 1,35 tỷ đô la mỗi năm.
Vắc xin Covid-19 là cơ hội để giảm chi tiêu của chính phủ trong việc truy vết, điều trị và kiểm soát dịch bệnh và đang tạo ra sự thay đổi kinh tế lớn hơn nhiều so với các vắc xin trước đây. Một cú xuống dốc nền kinh tế đã bị chặn đứng và nhiều đầu tầu kinh tế thế giới (Mỹ, châu Âu, Trung Quốc,…) dự kiến sẽ sớm quay trở lại mức trước đại dịch ngay trong năm 2021 nhờ chương trình tiêm chủng vắc xin đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ phục hồi nền kinh tế sẽ phụ thuộc và có mối quan hệ chặt chẽ với với tiến độ triển khai vắc xin, tỷ lệ tiêm chủng trong dân số càng tăng thì nền kinh tế càng sớm trở lại trạng thái bình thường. Cùng với quá trình phục hồi này, một cơ hội rõ rệt Covid-19 mang lại chính là những thay đổi trong thói quen tiêu dùng, phương thức làm việc và các mô hình kinh doanh mới sau đại dịch. Một sự "phá hủy sáng tạo" đang trực chờ ở rất nhiều lĩnh vực kinh tế truyền thống như: đào tạo, du lịch, hàng không, nhà hàng, bất động sản thương mại và nhà ở,… và từ đó cách các doanh nghiệp có thêm động lực thay đổi về chiến lược tiếp thị và phương thức kinh doanh.
Chương trình tiêm chủng vắc xin của Việt Nam và một số khuyến nghị
Chỉ riêng việc tạo ra vắc xin là không cung cấp đủ động lực để khôi phục nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng bền vững. Để một loại vắc xin có hiệu quả, phải tạo ra khả năng miễn dịch cho cộng đồng. Ít nhất khoảng 75 triệu người Việt Nam cần tiêm vắc-xin Covid-19 để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển "Quỹ vắc xin" phòng, chống Covid-19, đẩy nhanh việc mua và tổ chức việc tiêm chủng, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp…
Chúng ta đã rất thành công, trở thành một "điểm sáng" trong việc truy vết, cách ly và điều trị trong phòng, chống dịch Covid-19, nhưng đánh giá tốc độ tiêm chủng của Việt Nam hiện nay là chậm hơn so với nhiều nước. Đợt bùng phát dịch thứ 4 là đợt bùng phát rất lớn, phức tạp, với số ca mắc chiếm đến hơn 60% trong tổng cộng hơn 10.000 ca bệnh tính đến nay. Số ca nghi nhiễm nhiều, nhu cầu xét nghiệm sẽ tăng, điều trị sẽ rất vất vả và tốn kém. Đồng thời, số người cách ly tăng lên, số nơi phải phong tỏa cũng gia tăng, tạo gánh nặng rất lớn cả về y tế và kinh tế. Với nguy cơ tiềm ẩn các "đốm" dịch xuất hiện bất cứ khi nào trong cộng đồng như hiện nay, cần xem vắc xin chính là cơ hội hiệu quả để giảm chi tiêu của chính phủ trong việc truy vết, điều trị và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đảm bảo an toàn về năng lực chữa bệnh của hệ thống y tế.
Theo đánh giá của một số chuyên gia y tế, nếu tận dụng tối đa năng lực và điều kiện của hệ thống y tế hiện tại, mỗi người đủ 2 mũi tiêm và nếu không xảy ra bất kỳ sự đứt quãng nào về chuỗi cung ứng thì có đủ khả năng và cơ sở vật chất để tiêm cho khoảng 0,5% dân số một ngày, tức 500.000 liều/ngày. Như vậy dự kiến đến hết năm 2021 sẽ thực hiện được miễn dịch cộng đồng. Con số dự kiến này là cao hơn rất nhiều so với tốc độ tiêm chủng trung bình trong thời gian qua. Do vậy, để gia tăng nhanh chóng năng lực tiêm chủng, cần sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắc xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể. Muốn vậy, các chuyên gia y tế cho rằng cần tận dụng triệt để lợi thế của mạng lưới y tế cơ sở các cấp, tổ chức tập huấn quy trình tiêm chủng vaccine Covid-19, khám sàng lọc, các biện pháp xử lý phản ứng phụ khi tiêm. Người dân có thể truy cập vào website để khai báo các thông tin cá nhân và khai báo y tế trước tiêm chủng. Sau khi tiêm, mỗi người sẽ được cung cấp một giấy chứng nhận với đầy đủ thông tin như tên vắc xin được tiêm, số mũi, số lô, ngày tiêm chủng cùng với một mã QR Code và thông tin tiêm chủng được liên kết với các ứng dụng chống Covid-19 như Bluezone để tiến hành cấp passport vaccine khi cần.
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư có diễn biến rất phức tạp, quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân ở các trung tâm đô thị lớn và một số khu công nghiệp. Trong bối cảnh mới này, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 là một giải pháp căn cơ, mang tính quyết định quá trình phục hồi kinh tế một cách vững chắc, đồng thời sớm tận dụng được các cơ hội để duy trì và thúc đẩy các động lực tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư khi các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Đồng thời, chính phủ cũng cần sớm xem xét áp dụng chính sách tài khoá thích ứng và kịp thời hơn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kích thích nhu cầu trong nước.